Hai nữ nghi phạm vụ sát hại ông Kim Chol bị buộc tội mưu sát
Hai nữ nghi phạm trong vụ sát hại người đàn ông được tin là ông Kim Jong-nam đã bị buộc tội mưu sát theo Điều 302 Bộ luật Hình sự Malaysia trong hôm 1/3, các hãng truyền thông nước này cho hay.
Hai nữ nghi phạm đã bị buộc tội mưu sát trong phiên tòa hôm 1/3. (Nguồn: AFP).
Hai nữ nghi phạm gồm Siti Aisyah, 25 tuổi, quốc tịch Indonesia và Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam đã xuất hiện tại một tòa án địa phương ở Sepang. Họ bị buộc tội tham gia vào vụ mưu sát cùng với 4 nghi phạm khác vẫn đang lẩn trốn sau khi bỏ trốn khỏi Malaysia hôm 13/2.
Cả hai nghi phạm nói rằng họ hiểu rõ cáo buộc đối với mình, tuy nhiên không đưa ra lời biện hộ nào. Hai nghi phạm sau đó rời khỏi tòa án trong những chiếc áo chống đạn. Trong khi đó, các luật sư bào chữa, phát biểu với các hãng truyền thông bên ngoài phòng xử án, nói rằng các thân chủ của họ vẫn khẳng định về sự vô tội của mình.
Được biết, hai nghi phạm nữ này bị cáo buộc đã tấn công một người đàn ông Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào hôm 13/2, bằng cách phun độc chất thần kinh vào mặt ông này. Nếu bị kết án, các nghi phạm có thể đối mặt với bản án nặng nhất là tử hình.
Phát biểu trước báo giới Malaysia trước khi phiên tòa bắt đầu, luật sư của nghi phạm Aisyah, ông Gooi Soon Seng, đã thể hiện quan ngại về tiến trình sơ thẩm. Luật sư bào chữa của nghi phạm Hương thì nói rằng, thân chủ của ông đã nói với ông rằng cô vô tội.
“Cô ấy bác bỏ cáo buộc, nói rằng “Tôi vô tội”” - ông Selvam Shanmugam nói - “Đương nhiên, cô ấy tỏ ra rất tuyệt vọng bởi đang phải đối mặt với bản án tử hình”.
Phiên tòa xét xử tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14/3 tới, khi giới công tố xét xử chung các bị cáo.
Trong phiên tòa hôm 1/3, các cáo buộc đối với nghi phạm Aisyah được đọc lên đầu tiên, sau đó là tới nghi phạm Hương. Một nghi phạm người Triều Tiên, được cảnh sát xác nhận là Ri Jong-chol, vẫn đang bị cảnh sát thẩm vấn và chưa bị buộc tội.
Cảnh sát Malaysia đã bắt giữ cả hai nữ nghi phạm trên chỉ vài ngày sau khi vụ sát hại xảy ra. Đoạn băng mà camera an ninh sân bay ghi lại được cho thấy hai nghi phạm này áp sát và tấn công người đàn ông Triều Tiên mang hộ chiếu với tên Kim Chol tại sân bay, khiến ông này thiệt mạng 20 phút sau đó.
Phát biểu tại thủ đô Jakarta trong hôm 1/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, Armantha Nasir, đã bày tỏ hy vọng rằng nghi phạm Aisyah sẽ được xét xử một cách công bằng.
“Chúng tôi hy vọng rằng nguyên tắc suy đoán vô tội vẫn được đảm bảo” - ông Nasir nói - “Luật sư được chỉ định sẽ lo vụ án này cho Siti và chúng tôi hy vọng cô ấy sẽ được xét xử một cách công bằng”.
Nghi phạm thứ hai, Đoàn Thị Hương, đã bị bắt giữ 48 giờ sau khi vụ sát hại xảy ra. Người này được cho là người phụ nữ mặc áo trắng có in dòng chữ “LOL” bên trên xuất hiện trong camera an ninh trong lúc đang chờ bắt taxi sau khi thực hiện vụ mưu sát. Nghi phạm người Indonesia, Aisyah, bị bắt giữ sau đó một ngày.
Không xem xét lại nguyên nhân tử vong
Bộ trưởng Y tế Malaysia S Subramaniam cùng ngày đã xác nhận rằng các vị Bộ trưởng nội các của chính phủ đã có cuộc gặp với phái đoàn phía CHDCND Triều Tiên trong hôm 28/2, tuy nhiên bản thân ông không xuất hiện trong cuộc gặp này.
Ông Subramaniam cho hay, Malaysia sẽ không xem xét lại nguyên nhân cái chết của nạn nhân bị sát hại và sẽ tuân thủ đúng các bước pháp lý cần thiết trong tiến trình xử lý thi thể của nạn nhân. Vị quan chức nói rằng chính phủ Malaysia có thể giữ thi thể nạn nhân bao lâu cũng được nếu xét về tính chất vụ việc, nhưng họ mong muốn một giải pháp nhanh chóng và xác nhận danh tính nạn nhân sớm nhất có thể.
“Để xác nhận rằng đây là Kim Jong-nam hay Kim Chol, thì cần phải có bằng chứng” - ông Subramaniam nói với hãng tin CNA - “Và bằng chứng đó chỉ có thể có được bằng cách xét nghiệm DNA”.
Vị quan chức trên thêm rằng, vấn đề này đã được bàn thảo trong cuộc họp nội các Malaysia hôm 1/3 và các thành viên nội các họ sẽ quyết định xem nên làm gì với thi thể nạn nhân nếu như thời gian cứ trôi đi mà không có ai tới nhận diện.
“Đây là một vụ việc nước ngoài thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế, nên chúng tôi phải quyết định cách thức giải quyết như thế nào” - ông Subramaniam nói - “Chúng tôi sẽ cố hết sức để có bằng chứng hay mẫu vật chất từ một người có cùng huyết thống với nạn nhân để giúp xác nhận danh tính”.