Pepsi, Coca-Cola bất ngờ bị cấm ở bang miền Nam Ấn Độ
Tất cả các cửa hiệu bán hàng hóa, cửa hiệu tạp phẩm thuộc bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ đã bắt đầu thực thi lệnh cấm bán hai nhãn hiệu đồ uống ăn khách bậc nhất thế giới gồm Coca-cola và Pepsi, nhằm thúc đẩy các nhãn hiệu đồ uống sản xuất tại địa phương.
Các nhà hoạt động Ấn Độ kêu gọi uống nước dừa thay vì Coca-Cola hay Pepsi. (Nguồn: Getty).
Lệnh cấm này do hai hiệp hội thương nhân lớn nhất bang này đề xuất trước đó và bắt đầu đi vào hiệu lực từ ngày 1/3. Hai hiệp hội này nói rằng các công ty đồ uống trên đã sử dụng quá nhiều nước từ các con sông, khiến cho nông dân rất khó khăn trong việc trồng trọt vào thời điểm có hạn hán.
Được biết, có khoảng trên 1 triệu các cửa hiệu trên toàn bang Tamil Nadu sẽ tuân thủ lệnh cấm này.
Hai hiệp hội thương mại lớn của bang này - gồm Hiệp hội Thương nhân Tamil Nadu (FTNTA) và Diễn đàn Hội Thương nhân Tamil Nadu (TNTAF) - cho hay họ đã đưa ra đề xuất lệnh cấm trên sau khi chứng kiến nhiều người trẻ tuổi tổ chức buổi tuần hành số lượng lớn hồi tháng trước nhằm phản đối một lệnh cấm đối với lễ hội Jallikattu - lễ hội thuần phục bò ở địa phương.
Rất nhiều người tham gia cuộc biểu tình lệnh cấm Jallikattu nói rằng họ xem lệnh cấm này như một sự công kích đối với phong tục tập quán và truyền thống của địa phương.
“Và bởi vậy, chúng tôi cũng khởi động chiến dịch phản đối các loại đồ uống nhẹ cách đây vài tháng. Nó bắt đầu có động lực kể từ khi chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ từ phong trào Jallikattu” - ông Tha Vellaiyan, Chủ tịch của FTNTA, nói với hãng tin BBC.
“Các loại đồ uống như Pepsi và Coca-Cola không tốt cho sức khỏe bởi có lượng đường và chất hóa học cao. Chúng tôi khuyến khích người dân sử dụng các loại nước uống trong nước, và sẽ khuyến khích tiêu thụ các loại nước ép hoa quả”.
Các hiệp hội trên còn kêu gọi các siêu thị, nhà hàng và khách sạn trong bang ủng hộ lệnh cấm này và “giúp đỡ các doanh nghiệp địa phương và nông dân”. Hiện đại diện phía công ty Pepsi và Coca-Cola vẫn chưa đưa ra bình luận gì liên quan tới lệnh cấm này.