Bàn giải pháp 'cứu' ngành ôtô
Giá thành cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa thấp… đã và đang là những rào cản khiến cho ngành ôtô khó có thể phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn như kỳ vọng của Chính phủ.
Năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam là 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước: 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc. Hiện tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô đạt khoảng 500.000 xe/năm.
12 hãng có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 ngàn xe/năm trong năm 2016.
Các doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp. Đồng thời, một số loại sản phẩm cũng đã xuất khẩu sang một số thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng đang tồn tại một số hạn chế như giá thành cao, chất lượng dù có cải tiến nhưng chưa bằng xe nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản.
Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp. Do vậy, xác định những thuận lợi khó khăn để đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm giữa lãnh đạo Bộ Công thương và các DN ngành ôtô được tổ chức mới đây, đại diện VAMA cho rằng sức ép cạnh tranh sau năm 2018 là rất lớn và đang đến gần, do vậy, Bộ Công thương cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ.
“Nếu không, các nhà sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không tồn tại được trước sức ép xe nhập khẩu khi thuế được kéo về 0%”- VAMA nhận định.
Ông Kayano Kiwamu, Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cũng chia sẻ mong muốn phát triển sản xuất tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề gặp khó khăn do thị trường nhỏ, hạ tầng chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng. Lãnh đạo Honda Việt Nam khẳng định sẽ tập trung phát triển những sản phẩm phù hợp tại Việt Nam, có sức cạnh tranh lớn. Để phát triển ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam, đại diện Honda đề xuất cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển thị trường ô tô; bên cạnh đó Chính phủ cũng cần ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ôtô một cách bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chính thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp, rút ngắn khoảng cách, nâng cao tính cạnh tranh.
Lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, muốn tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô rất cần phải làm một cách quyết liệt công nghiệp hỗ trợ, bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ôtô.
Vẫn theo ông Hải, Bộ Công thương sẽ tiếp tục lắng nghe, sát cánh cùng doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ về các giải pháp, trên cơ sở thực tế phát triển đất nước, các cam kết quốc tế và quyền lợi của người dân.
Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014. Bộ Công thương đã và đang tích cực triển khai các hoạt động cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước. Năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, kèm theo đó là Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành năm 2017.
Từ năm 2014 đến nay, số lượng ôtô sản xuất trong nước đã có mức tăng trưởng cao trung bình 30%/năm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá, những năm qua, ngành công nghiệp sản xuất ôtô còn nhiều hạn chế. Những hạn chế đó khiến cho ngành này không thể phát triển ổn định và hướng đến trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn như kỳ vọng ban đầu của Chính phủ.