Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII - Bài 3: Ngại đấu tranh thì khó giám sát
Đề cập đến vai trò của Mặt trận nhằm góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Khóa XII đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, phải làm sao trong toàn hệ thống của Đảng từ cấp Trung ương xuống cơ sở thông suốt tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XII. Có thông suốt thì Mặt trận mới có thể làm tốt được.
Ông Nguyễn Túc.
Giám sát như thế nào?
Ông Nguyễn Túc cho rằng: Giám sát cán bộ đảng viên tại địa bàn dân cư, và tại cơ sở đã được đặt ra từ khá sớm, được đưa vào Quy chế dân chủ ở cơ sở sau đó trở thành Pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở. Việc này đã được Mặt trận các cấp thực hiện suốt từ năm 2008. Qua quá trình thực hiện đến Đại hội X của Đảng, Đảng đã đưa vấn đề giám sát và phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội vào văn kiện của Đại hội X. Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội X, Mặt trận đã tiến hành khảo sát tiếp và có nhiều tờ trình gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đến tháng 12 năm 2013 Bộ Chính trị đã ra Quyết định 217 và 218. Trong đó Quyết định 217 là giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Quyết định 218 là MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch và vững mạnh.
Theo ông Túc, UBTƯ MTTQ Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2015 và năm 2016 đã bàn rất sâu về những biện pháp để thực hiện các quyết định trên của Bộ Chính trị. Quán triệt tinh thần Bác Hồ nói “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm phải 20 chủ trương đó mới đi vào cuộc sống”, nên những năm qua Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, cũng như UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dành nhiều thời gian để bàn vấn đề này.
Trên cơ sở đã đạt được trong những năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Mặt trận đã mở rộng ra để thực hiện cho được phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đề cập đến việc giám sát cán bộ đảng viên, ông Túc cho biết: Thông qua một loạt các giải pháp như: góp ý kiến với đảng viên sinh sống và cư trú tại địa bàn dân cư. Qua góp ý kiến có nhận xét đánh giá hàng năm mà đảng bộ của đơn vị đảng viên đang công tác, lấy ý kiến tại chi bộ, tại khu dân cư. Nếu đồng chí đó tham gia vào ĐBQH, HĐND các cấp thì thường 6 tháng một lần Mặt trận các cấp có đóng góp ý kiến về tư cách phẩm chất, đạo đức, và lối sống thông qua sự phản ánh của nhân dân khu dân cư.
Còn đối với các ĐBQH do MTTQ các cấp giới thiệu thì hàng năm thường có những nhận xét, góp ý của các vị trong Mặt trận. Tuy nhiên việc làm này chưa thành thường xuyên như những nhiệm kỳ trước, thành ra nhiều Ủy viên UBTƯ trong các cuộc họp gần đây có đề nghị, các cán bộ chuyên trách, các Ban thường trực ở các địa bàn dân cư cũng như Đoàn Chủ tịch nên có kiến nghị, có ý kiến về từng vị do Mặt trận giới thiệu. Có như thế mới đúng với tinh thần mà Quyết định 217, 218 nêu.
Ông Túc nói: “Tôi tin chắc rằng thời gian tới Ban Thường trực sẽ có những biện pháp để thực hiện tốt hơn việc giám sát mà quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nêu để làm sao vừa thiết thực, vừa cụ thể và có tác dụng tốt nhằm nâng cao chất lượng của các đại biểu được nhân dân đã bầu ra”.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Tại Hội nghị lần thứ 6 UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch…
Về vấn đề này ông Nguyễn Túc cho rằng: Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, mọi mặt hoạt động của cả hệ thống chính trị của chúng ta đã có một bước chuyển rõ rệt. Nhưng chúng ta chưa hài lòng với những bước chuyển biến đó.
Ông Túc đưa ra phân tích: Thứ nhất, sự chuyển biến đó so với kỳ vọng của nhân dân thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Nước ta là nước dân chủ nhưng những hành động không phù hợp với Hiến pháp 2013, vi phạm vào quyền làm chủ của dân vẫn còn xảy ra khá nghiêm trọng ở nơi này nơi kia.
Những vụ ấy làm cho nhân dân giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chính vì vậy, những chỉ đạo mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng trên trong năm đã phần nào lấy lại niềm tin của người dân. Lực lượng là ở nơi dân nhưng chúng ta chưa khai thác hết vì chưa phát huy được dân chủ.
Cho nên phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Ủy ban mong muốn rằng, Mặt trận cần làm tròn hơn nữa trách nhiệm là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là nơi đại diện cho ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Nếu so với Luật MTTQ, tuy Mặt trận đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được những đòi hỏi mà Luật đã nêu ra. Lý do khách quan được ông Túc đề cập đến chính là trong điều kiện Đảng lãnh đạo, muốn đổi mới Mặt trận, muốn Mặt trận hoạt động mạnh mẽ hơn nữa thì trước hết Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo của mình đối với MTTQ.
Đó là một yếu tố mà các đồng chí thay mặt Đảng ta đã từng nói: Muốn Mặt trận đổi mới được thì trước hết phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đó là điểm mấu chốt. Còn lý do chủ quan là Mặt trận đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân nên đòi hỏi sự cố gắng rất lớn nhưng đội ngũ còn thiếu, một số còn hạn chế về năng lực.
Thứ hai là Mặt trận các cấp chưa huy động được sức mạnh của các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy năm vừa qua đã có nhiều sáng kiến để phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, nhưng do là năm đầu tiên mở rộng nên chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, rồi đội ngũ ở cơ sở còn thiếu, một số cán bộ năng lực còn hạn chế nên chưa biến công tác Mặt trận thành công tác của mọi người dân cho nên thành ra chưa phát huy được.
“Do đó nhắc nhở của Tổng Bí thư trong hội nghị là điều hết sức cần thiết và đó cũng là thực tiễn công tác Mặt trận hiện nay. Thành ra muốn thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Mặt trận phải cố gắng đổi mới hơn nữa từ phương thức tổ chức cũng như đổi mới phương thức hoạt động và phong cách làm việc của từng cán bộ Mặt trận chuyên trách. Nếu cán bộ chuyên trách vẫn làm việc theo kiểu hành chính thì chắc rằng công tác Mặt trận không chuyển nhanh được. Vì có bao nhiêu cán bộ đâu?”- ông Túc bày tỏ.
Ba điểm mấu chốt
Đề cập đến việc làm sao giám sát cán bộ đảng viên được thực chất? ông Túc cho rằng: Muốn làm được thì điều kiện đầu tiên là phải làm sao trong toàn hệ thống của Đảng từ cấp Trung ương xuống dưới cơ sở thông suốt tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XII. Có thông suốt thì Mặt trận mới có thể làm tốt được. Vì hiện nay giám sát cán bộ đảng viên dân rất muốn giám sát, Mặt trận rất muốn làm và đã làm, nhiều nơi làm tốt. Nhưng trong cơ chế hiện nay không ít người ngại, nhất là các vị không có bản lĩnh, ngại “đấu tranh thì tránh đâu”.
Bởi giám sát thì phải nói được mặt ưu và mặt khuyết và phải góp ý kiến với đồng chí của mình. Nhưng nói mặt ưu thì họ dễ nghe; nhưng phê bình góp ý mặt khuyết thì nhiều đồng chí cấp ủy, cán bộ có chức có quyền “chưa chuẩn bị” để nghe những điều đó. Thứ hai trong hệ thống Mặt trận phải chọn những cán bộ, đặc biệt ở dưới cơ sở làm sao có những con người công tâm, liêm chính, dám chịu trách nhiệm với lời nói của mình, nói một cách trung thực.
Trước đây đa phần ở dưới cơ sở Chủ tịch Mặt trận là những cán bộ về hưu, có bề dày kinh nghiệm. Nhưng gần đây theo quy chế mới thì các đồng chí Chủ tịch Mặt trận đa phần là các đồng chí trẻ. Về công tác tổ chức, nên để các đồng chí trẻ làm phó cho các đồng chí lão thành có kinh nghiệm. Vì chính những đồng chí này mới là người có bề dày kinh nghiệm, nói được tiếng nói mạnh mẽ của nhân dân.
Vấn đề cuối cùng, theo ông Túc về khối chính quyền, Chính phủ mới đã đưa ra phương châm Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân. Vừa rồi Chính phủ đã làm rất tốt. “Thủ tướng có tổ chức các tổ công tác và đó là cách làm hay và là cách tốt nhất để giám sát”- ông Túc nói.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Không gì bằng sự phối hợp của cấp ủy Đảng với Mặt trận Các hệ thống văn bản pháp luật đã quy định rất đầy đủ. Như Luật Tổ chức Quốc hội còn nói rất rõ là trong giám sát tối cao có thể mời các thành viên của Mặt trận tham gia vào đoàn giám sát tối cao. Đặc biệt tổ công tác Mặt trận đã xuống tận tổ dân phố, rồi xuống đến cả thôn, bản, ấp. Do đó không có lực lượng nào bám sát cơ sở hơn là tổ chức Mặt trận và đại diện của Mặt trận cũng có đầy đủ các thành phần. Căn cứ vào điều này và các văn bản cụ thể của Đảng, Nhà nước cho nên việc Mặt trận tham gia giám sát cán bộ đảng viên là hoàn toàn đúng. Nhưng, muốn giám sát cán bộ đảng viên tốt hơn, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng thì tổ chức Mặt trận cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền phải nắm chắc vai trò vị trí của mình và văn bản pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Mặt trận. Tổ chức Đảng cũng là một thành viên của Mặt trận, Đảng vừa lãnh đạo Mặt trận nhưng vừa là thành viên của Mặt trận. Các cấp ủy Đảng ở dưới cơ sở cũng vậy. Cấp ủy Đảng nào cũng là thành viên của Mặt trận ở cấp ấy. Vì vậy phải quán triệt được tinh thần Đảng vừa là thành viên của Mặt trận, nhưng đồng thời cũng là người lãnh đạo Mặt trận. Cho nên sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng và các cấp của Mặt trận phải chặt chẽ. Đảng phải lãnh đạo để Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện được chủ trương chính sách, đường lối của Đảng, nhu cầu của Đảng. Trong giai đoạn này cần phải xây dựng Đảng vững mạnh. Các cấp ủy Đảng phải chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp để phát huy tính hiệu quả. Không gì bằng sự phối hợp của cấp ủy Đảng cùng với Mặt trận và cấp chính quyền. Đương nhiên Mặt trận cũng phải chủ động, phát huy hơn vai trò của mình, vì không có cơ quan nào, tổ chức chính trị nào có thể làm tốt hơn vai trò của Mặt trận. |
Việt Thắng