Tìm thấy mẫu hóa thạch cổ xưa nhất trái đất
Giới khoa học đã công bố phát hiện được mẫu vật hóa thạch cổ xưa nhất thế giới trong hôm 2/3, và cho rằng đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy đã tồn tại sự sống trên Trái Đất từ cách đây 3,8 - 4 tỷ năm trước, khi hành tinh của chúng ta vẫn còn đang rất non trẻ.
Mẫu hóa thạch cổ xưa nhất được khai quật tại Vành đai Nuvvuagittuq Supracrustal, Quebec, Canada. (Nguồn: CNN).
Ông Dominic Papineau, Giáo sư thuộc trường ĐH London, Anh, người đã có phát hiện nói trên, cho biết “mẫu vi hóa đá mà chúng tôi phát hiện được còn có niên đại nhiều hơn tới 300 triệu năm” so với bất kỳ các mẫu hóa thạch xưa nhất hiện nay. Niên đại của mẫu vi hóa thạch này nằm trong khoảng vài trăm triệu năm thời điểm mà hệ Mặt Trời lớn dần lên, ông Papineau khẳng định trong một tuyên bố bằng hình ảnh.
Kết quả khám phá ra mẫu hóa thạch được xem là cổ xưa nhất thế giới đã được đăng tải trên tạp chí khoa học danh tiếng The Nature.
Những bằng chứng về sự sống bắt đầu sinh sôi không lâu sau khi Trái Đất hình thành cũng cho thấy khả năng sự sống sinh sôi trong môi trường nước ở các hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời, giới khoa học đánh giá.
“Nếu như sự sống trên Trái Đất xuất hiện nhanh đến vậy, thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng nó cũng có thể xuất hiện trên các hành tinh khác”, Matthew Dodd, tác giả của nhiều nghiên cứu khảo cổ thuộc Trung tâm Công nghệ Nano London, nói. Vị chuyên gia cho rằng cả Trái Đất và Sao Hỏa đều có nước ở thể lỏng trên bề mặt cùng thời điểm.
“Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc tìm thấy chứng cứ đã từng có sự sống trên Sao Hỏa vào khoảng 4 tỷ năm trước” - ông Dodd nhận định, nhưng thêm rằng cũng có khả năng Trái Đất là một “trường hợp đặc biệt”.
Được biết, các mẫu hóa thạch mới được tìm thấy có kích thước hết sức nhỏ bé, có độ dày bằng phân nửa sợi tóc của con người và dài nửa mm. Nó có hình dạng giống như một ống nhỏ, màu đỏ như máu và có nhiều sợi được hình thành bởi các loại vi khuẩn dưới đại dương.
Được lưu giữ trong các khối thạch anh có hình dạng như những bông hoa, các mẫu vi hóa thạch trên đã được phát hiện cùng với một số huyệt nước nóng cổ xưa nằm dưới đáy đại dương. Các hệ thống giàu chất sắt và thủy nhiệt này vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay, và là nhà của vô số loại vi khuẩn giống như có trong mẫu vật mà Dodd cùng các đồng nghiệp của ông khai quật được.
Được biết đến với cái tên Vành đai Nuvvuagittuq Supracrustal, địa điểm khai quật còn chứa một trong những mẫu đá trầm tích cổ xưa nhất trên Trái Đất từng được loài người biết đến.
Bằng chứng của sự sống
Vành đai nói trên được hình thành trong khoảng từ 3,77 - 4,92 tỷ năm trước, và có thể từng là môi trường sống cho cho các dạng sự sống đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất. Hiện vẫn chưa rõ, thời điểm hay vị trí đầu tiên mà sự sống trên Trái Đất xuất hiện, tuy nhiên các huyện nước dưới đáy đại dương có thể là một “ứng viên” thích hợp. Được biết hành tinh của chúng ta đã tồn tại được khoảng 4,57 tỷ năm.
Các mẫu hóa thạch siêu cổ xưa được khai quật trước đây vẫn thường bị các nhà khoa học đặt ra câu hỏi rằng liệu chúng có phải là một sự hình thành các loại khoáng chất tự nhiên hay không.
“Một trong những câu hỏi lớn nhất liên quan tới nghiên cứu sự sống sơ khai chính là, liệu các mẫu carbon hữu cơ mà chúng ta tìm thấy trong các phiến đá có nguồn gốc sinh học hay không” - ông Dodd giải thích.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một vài phương pháp để kiểm tra, bao gồm cả phân tích hình ảnh bằng laser để phân tích các mẫu khoáng chất. Họ phát hiện ra rằng sự hiện diện của apatite và carbonite trong các mẫu vật trên là bằng chứng vững chắc cho thấy sự sống thuở sơ khai.
Ngoài khả năng xác nhận được các dạng sống sơ khai nhất trên Trái Đất, phát hiện mới còn có thể giúp giới khoa học có thêm cơ sở để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh của chúng ta. Theo ông Papineau, sự phát triển của các dạng sống tìm thấy trong hóa thạch chỉ cần nước, hoạt động núi lửa và một số nguyên tố hóa học rất phổ biến như carbon. Các tổ chức này có thể cũng phát triển cùng thời điểm trên Sao Hỏa hay Mặt Trăng và nhiều hành tinh khác thuộc hệ Mặt Trời.
Trước khi xuất hiện mẫu vi hóa thạch này, thì mẫu hóa thạch được công nhận là có niên đại cổ xưa nhất trên thế giới được tìm thấy ở Tây Australia với niên đại 3,46 tỷ năm, dù một số nhà khoa học cho rằng nó không có nguồn gốc sinh học.
Được biết, phát hiện khảo cổ quan trọng vừa qua là kết quả của sự phối hợp giữa nhiều tổ chức khảo cổ lớn trên thế giới, gồm Viện Nghiên cứu Địa chất Na Uy, Viện Nghiên cứu Địa chất Mỹ và Đại học Ottawa, Canada.