Người chăn nuôi gà lao đao
Những ngày gần đây, hàng trăm hộ nông dân nuôi gà ở Nam Bộ đứng ngồi không yên vì giá gia cầm sụt giảm bất ngờ. Cộng thêm tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, thương lái giảm thu mua và giá gà nhập thấp. Nhiều hộ nông dân rơi vào tình trạng điêu đứng, phải chấp nhận bán gà với giá rẻ mạt.
Nhiều người chăn nuôi đứng ngồi không yên vì giá gà sụt giảm mạnh. Ảnh: TL.
Giá gà chỉ bằng… khoai tây, cà chua!
Khu vực Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức (tỉnh Long An) là những địa phương thu hút nhiều hộ chăn nuôi gia cầm phục vụ xuất khẩu cũng như nhu cầu thị trường TP.Hồ Chí Minh.
Một chủ trang trại gia cầm ở xã Hòa Khánh Nam (huyện Đức Hòa, Long An) cho biết: Khoảng mười ngày trở lại đây, giá gà trong khu vực liên tục giảm. Như gà lông trắng (gà công nghiệp) trước tết có giá khoảng 35-40 ngàn đồng/ký thì sau tết chỉ còn 25 ngàn. Thậm chí chỉ còn chừng 20 ngàn đồng/ký mà vẫn khó bán.
“Hiện nay, giá gà bán tại trại chỉ xấp xỉ giá khoai tây, cà chua trong khi các chi phí như thức ăn, thuốc chữa bệnh, giống vốn… ngày càng tăng khiến người chăn nuôi thêm điêu đứng. Như trại của tôi, đầu tư hơn một tỷ đồng nuôi gà nhưng mới được bốn năm vụ đã thấy lỗ hiển hiện trước mắt.
Anh Nguyễn Văn Xuân, 39 tuổi, một hộ nuôi gà ở xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết: Chỉ trong chừng một tuần, giá giảm từ 10 đến 15 ngàn đồng mỗi ký. Hiện nay, gà mái ta, bán tại chuồng giá chỉ là 45-50 ngàn đồng/ký. Còn gà trống, giá chỉ khoảng 40-45 ngàn đồng/ký, bằng một nửa so với thời điểm trước tết.
“Do giá gà vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục nên nhiều thương lái chần chừ không thu mua. Thậm chí nhiều thương lái còn ép giá, đợi thêm ít ngày nữa mới chịu mua. Trước ở đây ngày nào cũng có xe tới chở gà đi mà nay gọi hoài không ai tới. Như đàn 4.000 con gà nhà tôi đã đến tuổi xuất chuồng, nuôi thêm mỗi ngày tốn hai triệu tiền thức ăn mà không tăng trọng lượng” - anh Xuân than thở.
Không chỉ có những nông dân nuôi vài ngàn con, những doanh nghiệp đầu tư nhiều tiền của, chăn nuôi hàng chục ngàn con gà cũng đang trong tình thế hết sức khó khăn trước sức ép giá cả.
Theo ông Dương Anh Tuấn -Giám đốc Công ty chăn nuôi Bình Minh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thì, chi phí chăn nuôi gà hiện nay đang ở mức rất cao. Các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, chi phí xây dựng chuồng trại, vận chuyển hay nhân công… khiến cho giá sản xuất gà lông màu rơi vào mức 40-45 ngàn đồng/ký.
“Thế nhưng, nuôi chục hàng ngàn con gà thì tỷ lệ sống ở mức 85% đã là rất cao. Cộng thêm tỷ lệ gà còi cọc không đạt chuẩn chất lượng mà so sánh với giá bán hiện tại thì doanh nghiệp chăn nuôi cầm chắc phần lỗ. Hơn nữa, thời gian sản xuất gà cũng rất lâu, rơi vào khoảng 130 ngày, nên vốn quay vòng rất chậm chạp. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, nguy cơ vỡ nợ của những người nuôi gà là điều khó tránh khỏi”, ông Tuấn thở dài.
Được biết, hầu hết người chăn nuôi gà, kể cả doanh nghiệp với nông dân đều làm theo mô hình vay lãi ngân hàng để đầu tư vì chi phí chăn nuôi gà rất lớn, có khi lên đến vài tỷ đồng. Việc giá gà bất ngờ “lao dốc” sẽ ảnh hưởng nhiều đến những người dân, doanh nghiệp này.
Nhiều trang trại nuôi gà ở Nam Bộ đang lao đao vì giá giảm.
Biết nhưng khó cứu
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, đồng thời là một chủ trang trại gà ở Đồng Nai cho biết, tình trạng giá gia cầm, nhất là gà lên hay xuống cũng khá bình thường. Thời điểm trước và sau tết Nguyên đán là lúc giá gia cầm thường dao động, là điều mà nhiều hộ chăn nuôi đã lường trước được. Tuy nhiên, giá xuống thấp dưới mức sản xuất như hiện nay là quá bất ngờ. Ngay như trang trại của ông cũng phải đóng cửa vì càng nuôi càng thua lỗ.
“Trong khi giá thực phẩm tiêu dùng khác có chiều hướng tăng thì giá gà lại quay ngược, giảm một cách khó hiểu. Ngoài ra, thông tin về dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều tỉnh thành cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá gà và nhu cầu tiêu thụ của người dân. Do đặc điểm một lượng lớn gà ở Đồng Nai được bán theo đường tiểu ngạch tại khu vực TP HCM nên khi nhu cầu mua kém đi, người nuôi gà lập tức bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ quá trình vận chuyển gà giữa các tỉnh thành cũng ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ”, ông Ngọc cho biết.
Theo thống kê của Sở NN&PTNN Đồng Nai, tỉnh hiện có khoảng 18 triệu con gia cầm chủ yếu là gà. Tuy nhiên, khác với các loại nông sản như chuối, hành tím… thì việc “giải cứu” đàn gà bằng cách tiêu thụ nhỏ lẻ ở khu vực TP HCM đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân gà có thể phát sinh nhiều loại bệnh, nhất là cúm gia cầm nên việc vận chuyển, giết mổ, đưa đến tay người tiêu dùng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với nông sản.
Ngoài ra, gà đến tuổi xuất bán nhưng không bán được sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn nông sản. Đặc biệt, nguyên nhân lớn của tình trạng này cũng đến từ việc có quá nhiều hộ nuôi gà không trong quy hoạch, tự phát và khi không nắm rõ được nhu cầu của thị trường, việc thua lỗ là rất dễ xảy ra.
Trong khi thông tin về giá gà đang giảm sâu ở nhiều trang trại ở khu vực Nam Bộ thì theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều khu chợ dân sinh trên địa bàn TP.HCM, giá thịt gà không giảm nhiều. Cụ thể, giá thịt gà công nghiệp vẫn ở mức từ 50-60 ngàn đồng/kg, gà ta vẫn khoảng 90-100 ngàn đồng/kg sau khi giết mổ, thấp hơn khoảng 10 đến 15 ngàn đồng/kg so với dịp trước tết nhưng lại không biến động kể từ sau tết. Đây là điều khá ngạc nhiên bởi hầu hết thịt gà đang bán ở khu vực này đều được nhập về từ các trang trại ở Đồng Nai, Long An theo các đường khác nhau. |