Đầu ra cho nông sản: Phải giải được bài toán cung vượt cầu
Giá thịt lợn hơi sụt giảm do thương lái bỗng dưng ngừng thu mua khiến cho bà con nông dân các tỉnh miền Đông Nam bộ điêu đứng suốt một thời gian dài. Thực trạng này không chỉ diễn ra đối với đàn lợn, mà còn là tình trạng chung của cả ngành nông nghiệp lâu nay. Bài toán tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản dù đã được đặt ra rất nhiều lần song dường như vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Xúc tiến giảm áp lực "tồn kho” đàn lợn
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết chiều ngày 2/3, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận, thời điểm trước tết Nguyên đán, giá thịt lợn có giảm rất sâu do nguồn cung vượt quá cầu, ngoài ra cũng có tình trạng thương lái nước ngoài ngừng thu mua. Thời điểm hiện tại giá thịt lợn hơi đang dao động quanh mức 34.000 -36.000 đồng/kg.
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng giá lợn tăng giảm thất thường, ông Trọng cho rằng: Một mặt do thực trạng bà con chăn nuôi đàn lợn vẫn còn theo hướng tự phát. Người nông dân luôn tự ý sản xuất mà không tính đến biến động của thị trường đang dư thừa sản phẩm đó.
Ông Trọng cho biết: Bộ đã phối hợp với Bộ Công thương trình Chính phủ kế hoạch nhằm thỏa thuận việc hợp tác xuất khẩu lợn chính ngạch với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp lâu dài. Giải pháp trước mắt, Bộ Nông nghiệp cũng đã có chỉ đạo cử đoàn sang làm việc với các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông… (Trung Quốc) về xuất khẩu lợn.
“Bên ngành thú y cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ lợn để giảm tải lượng lợn tồn hiện nay nhằm hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp cũng đã có văn bản gửi đến UBND các địa phương yêu cầu rà soát lại quy hoạch đàn lợn, hạn chế việc mở rộng, tăng đàn” – ông Trọng cho biết và nhấn mạnh, việc ổn định đàn lợn sinh sản sẽ giúp cho giảm áp lực nguồn cung trên thị trường và hạn chế những hệ lụy về cung vượt cầu như chúng ta đang chứng kiến.
Giảm khâu trung gian cách nào?
Tình trạng giá thịt lợn sụt giảm khiến cho bà con nông dân các tỉnh miền Đông Nam bộ điêu đứng không phải bây giờ mới diễn ra mà nó đã trở thành điệp khúc năm này qua năm khác. Và không chỉ xảy ra đối với sản phẩm chăn nuôi của bà con nông dân mà còn là tình trạng chung đối với hầu hết các sản phẩm trồng trọt cũng như nông sản khác.
Đơn cử như dưa hấu, thanh long, hành, tỏi… vẫn luôn thường xuyên lâm vào cảnh “được mùa rớt giá”. Và cứ đều đặn, vài tháng, người ta lại thấy các chương trình giải cứu nông sản cho bà con nông dân.
Giải bài toán đầu ra cho nông sản vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối lâu nay đối với ngành nông nghiệp. Và để người nông dân không còn điêu đứng vì thịt lợn, thịt gà rớt giá, hành tỏi, dưa hấu, các loại rau, củ quả… sụt giá thảm hại do thương lái bỗng nhiên ngừng thu mua, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, nhất thiết phải kết nối được người nông dân – nhà sản xuất với DN.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), liên kết nông dân với DN để không những cung ứng đầu vào mà còn bao tiêu đầu ra.
Theo ông Ngọc, đây chính là phương thức nhằm giảm bớt khâu trung gian trong sản xuất cho nông dân. Ngoài ra, còn phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, thực tế có nhiều rường hợp đã thành công.
“Thời gian tới, để khắc phục tình trạng này thì cần triển khai áp dụng các mô hình có kết quả để hiệu quả sản xuất được tăng cường, giá trị nông dân thu được cao và giảm thiểu rủi ro, giảm bớt khâu chi phí trung gian để bớt chi phí cho nông dân” – ông Ngọc nhấn mạnh.