Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII - Bài cuối: Học tập đạo đức Bác Hồ
Việc học tập và làm theo các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng Đảng góp phần vào công tác phát triển kinh tế- xã hội được Đảng ta đặt ra từ rất sớm. Ngay sau khi Bác Hồ qua đời năm 1969, ngày 29-9-1969, Đảng ta đã có một Chỉ thị là Học tập và làm theo Di chúc Hồ Chủ tịch. Từ đó đến nay, Bộ Chính trị cũng đã có thêm những Chỉ thị về việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, theo đánh giá của các chuyên gia thì việc học tập tư t
Bác Hồ thăm một lớp học tại phố Hàng Than, khu Trúc Bạch, Hà Nội, ngày 31/12/1958. Ảnh: Tư liệu.
Nơi tốt, nơi còn chiếu lệ
Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, qua cách làm của nhiều địa phương, PGS.TS Ngọc Anh- Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đánh giá: Cái được lớn nhất là nhờ cách tổ chức căn bản từ trên xuống dưới giúp cho mỗi người Việt Nam hình dung một cách tổng thể hơn những giá trị bền vững, cốt lõi trong di sản của Hồ chí Minh trên ba bình diện là: Tư tưởng- đạo đức- phong cách. Nhờ các quan niệm tổng quát và giá trị bền vững ấy chúng ta vận dụng trong các lĩnh vực của đời sống văn hóa -xã hội- tinh thần; đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, chỗ này chỗ khác, nơi này nơi khác đặc biệt là kể từ sau Chỉ thị 06 còn có một số hạn chế. “Hạn chế lớn nhất là chúng ta vẫn đang đi vào nói những cái mang tính chất lý thuyết nhiều quá mà chưa tìm ra các giải pháp, công cụ cụ thể biến tư tưởng- đạo đức- phong cách Hồ Chí Minh thành các thiết chế bắt buộc; một công cụ đảm bảo cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân chúng ta thực hiện. Cái thứ hai là, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 06, Chỉ thị 03 và một năm thực hiện Chỉ thị 05; bên cạnh việc biểu dương những cái làm được thì chúng ta cũng chưa nêu ra được những tập thể, cá nhân không thực hiện. Tập thể cá nhân thực hiện tốt được nêu gương và nhân rộng điển hình đã đành, nhưng những tập thể cá nhân chưa làm tốt cần phải được nêu ra, cần có địa chỉ cụ thể, chính xác để giúp cho các cá nhân, đảng bộ, chi bộ khác tránh. Điều tôi muốn nói ở đây là muốn thực hiện Chỉ thị đạt hiệu quả thì phải có công cụ quản lý cần thiết, đủ mạnh thì mới làm được” - PGS Ngọc Anh nêu quan điểm.
Đồng tình, PGS.TS Đỗ Ngọc Ninh- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thời gian qua ở nhiều nơi còn hình thức; hiệu quả chưa cao. Còn TS. Nhị Lê- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thì đánh giá: Nhiều nơi có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa căn bản. Nhiều nơi còn hô hào suông. Nhiều nơi học tập một cách chiếu lệ. “Thực tiễn tôi quan sát chưa được như mong muốn cho nên có thể nói đây là một trọng sự quán xuyến xuyên suốt công việc xây dựng chỉnh đốn Đảng” - ông Nhị Lê nói.
Học Bác để làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng
Trong rất nhiều giải pháp về xây dựng chỉnh đốn Đảng, suốt 3 nhiệm kỳ gần đây (từ khóa X đến khóa XII), thực tế cho thấy rất rõ cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hay tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực sự là một công việc quan trọng để trực tiếp xây dựng Đảng vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn về đạo đức.
Rất tiếc trong thời gian qua 3 nhiệm kỳ chúng ta đặt trọng trách này kỳ thực mà nói về mặt thực tế chúng ta chưa thực sự hài lòng như phân tích của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Thực tiễn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và là việc thực hiện một loạt giải pháp hoặc nhóm giải pháp. Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công tùy thuộc vào nhiều yếu tố. “Một là thái độ nghiêm túc của từng cán bộ, đảng viên. Thứ hai là sự nêu gương của cấp trên và công luận. 70-80% số vụ việc tiêu cực trong Đảng, một điều kỳ lạ là do báo chí và nhân dân phát hiện; còn các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước lại rất thưa thớt”- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu nhận xét.
Cùng chung nhận xét ấy, PGS.TS Đỗ Ngọc Ninh cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu và sự nêu gương gắn với việc học tập tư tưởng- đạo đức- phong cách Hồ Chí Minh. Bởi, kinh nghiệm thực tế cho thấy điều đó hoàn toàn phù hợp với những gì mà chúng ta vẫn nói xưa nay: Đảng ta là con nòi của nhân dân lao động. Đảng ta hoạt động trong lòng xã hội; trong khuôn khổ pháp luật. Đạo đức của Đảng cũng cần dựa trên đạo đức truyền thống của dân tộc với tư cách Đảng là đại biểu trung thành của dân tộc. Thế nên, thiếu đi vai trò của nhân dân tức là thiếu môi trường xã hội - chính trị, thì khó nói chuyện xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Học tập và làm theo Bác Hồ bắt đầu từ phong cách làm việc của người đứng đầu chính là: Nói ít làm nhiều. Nêu gương bằng chính hành động của mình.
“Đơn cử, người đứng đầu mà không gương mẫu, không vào việc ngay thì khó nói được ai. Còn trái lại, người đứng đầu mà xắn tay vào công việc thì cấp dưới sẽ răm rắp nghe theo”- PGS Ninh chia sẻ. Hay nói một cách hình ảnh như nhà báo Nhị Lê thì: “Tấm gương sống có giá trị hơn 1.000 bài diễn văn. Phương Đông coi trọng chuyện đó và dân tộc ta càng coi trọng việc đó cho nên sự nêu gương của người trên, cấp trên, đảng viên giữ trọng trách có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”.
Có thực hiện nhưng phải gắn với giám sát việc thực hiện
Từ thực tiễn quá trình học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua, khi bàn đến nâng cao hiệu quả, hiệu lực của việc học Bác, các chuyên gia cho rằng: Đảng là người lãnh đạo, mỗi cá nhân đảng viên thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng thì không thể không đi đầu. Mà đã không đi đầu thì không thể nêu gương. Nêu gương từ trong tiểu gia đình rồi mới đến nêu gương trong đại gia đình là cơ quan, tổ chức. “Chứ nếu để xảy ra sự suy thoái về đạo đức sẽ dẫn đến sự chuyển hóa về mặt chính trị. Sự suy thoái về mặt chính trị là bước chuyển cực ngắn và thậm chí khó có thể nhận ra”- nhà báo Nhị Lê nói.
Còn liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, PGS.TS Ngọc Anh đánh giá: Chỉ thị 05 có vai trò rất quan trọng; là một trong 4 nhóm giải pháp để đẩy lùi các biểu hiện suy thoái trong Đảng.
Quả có như thế, trong nhóm giải pháp thứ nhất về tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị thì trong giáo dục tư tưởng, chính trị có cả giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhưng vấn đề cơ bản, của lần này là làm thế nào để mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức một cách đầy đủ, thiết thực và hiệu quả ba loại giá trị là tư tưởng- đạo đức- phong cách Bác Hồ. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - PGS. TS Ngọc Anh cho rằng, nói là vậy nhưng có thực tế, từ trước đến nay chúng ta nói nhiều nhưng giờ cần nhận diện giá trị tư tưởng- đạo đức- phong cách của Bác Hồ một cách đầy đủ và biến nó thành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Muốn làm được thế, những người đứng đầu các cấp, bản thân họ, trong chương trình hành động cũng phải có một nội dung cụ thể để nghiên cứu, thực hiện, triển khai, áp dụng, tuyên truyền để làm sao áp dụng cho cấp dưới về những giá trị trong tư tưởng của Bác. Bên cạnh đó, là phải tăng cường khả năng giám sát của người dân.
Học tập đạo đức Bác Hồ, cần phải để mọi người, trong đó bao gồm cả phương tiện thông tin đại chúng, phải có nhiệm vụ theo dõi, giám sát, tổ chức thực hiện trên các kênh giám sát một cách chính xác cả mặt được và không được để cung cấp các tư liệu cần thiết cho Ban Tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương- bộ phận tham mưu thường trực cho cấp ủy các cấp có quyết định kịp thời trong tổ chức thực hiện chỉ thị. Tóm lại là phải đi vào những điều cụ thể, thiết thực thì Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 sẽ tạo ra một luồng gió mới trong đời sống chính trị của Đảng ta, từ đây biến việc xây dựng Đảng, làm theo Chỉ thị 05 thành sự nghiệp của toàn dân tộc, tiến tới xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển.