Điều chuyển giáo viên phổ thông xuống mầm non: Cần thận trọng và bài bản

Thu Hương 03/03/2017 09:00

Khẳng định việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non là giải pháp tình thế mà Bộ GD&ĐT bắt buộc phải đưa ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng các tiêu chí để lựa chọn đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng điều kiện đầu vào, có những năng khiếu, đặc điểm phù hợp mà giáo viên mầm non phải có.

Ảnh minh họa.

Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên và việc kiểm tra giám sát, Bộ GD&ĐT cam kết với xã hội hướng tới một đội ngũ giáo viên có chất lượng cho các cơ sở giáo dục.

Đào tạo lại giáo viên để chuyển đổi

Thông tin từ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ tại các bậc học đang là một trong những vấn đề cần giải quyết của ngành giáo dục. Tính riêng số giáo viên công lập dôi dư là 26.750 người nhưng lại vẫn thiếu đến 45.058 giáo viên tại các cấp, nơi học khác.

Trong đó, bậc học thừa giáo viên nhiều nhất là THCS với trên 21.000 người và bậc học thiếu giáo viên trầm trọng nhất là bậc mầm non với trên 32.600 người. Nguyên nhân của sự mất cân đối là do: thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên. Một số địa phương thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp (sáp nhập các trường, lớp) dẫn đến dôi dư giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên...

Trong khi đó, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp; việc nới lỏng sinh con thứ ba ở giai đoạn sau năm 2000 và những năm gần đây dẫn đến gia tăng tỉ lệ học sinh tiểu học và trẻ mầm non…

Cụ thể, tại Thanh Hóa có trên 2.000 giáo viên dôi dư, chủ yếu ở cấp THCS, THPT đã chủ động bố trí một số giáo viên xuống dạy mầm non, tiểu học nhưng việc bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học chưa được đảm bảo theo đúng chuẩn quy định.

Một số địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng cũng đã thực hiện thí điểm việc điều chuyển giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non sau khi thực hiện bồi dưỡng, đào tạo lại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng không thể vội vàng đưa giáo viên đang dạy ở cấp trung học xuống dạy mầm non chỉ sau 5-6 tuần tập huấn. Cách làm này rất nguy hiểm. Bộ trưởng đã gửi công văn tới UBND các tỉnh yêu cầu dừng việc tổ chức bồi dưỡng lại.

Đồng thời Bộ giao Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho những giáo viên THCS được điều chuyển dạy tiểu học và mầm non để triển khai thống nhất trong toàn quốc theo phương thức học tập trung kết hợp với trực tuyến, vừa học vừa thực hành nghề nghiệp tại các trường mầm non, tiểu học.

Hiện, chương trình đào tạo đó đang được các chuyên gia góp ý, thẩm định từ đó đưa ra để đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo viên mầm non, tiểu học. Dự kiến sẽ đào tạo lại khoảng 40.000 giáo viên phổ thông dôi dư chuyển về dạy ở cấp mầm non.

Theo đó, chương trình sẽ được thiết kế bài bản, khoa học để nâng cao chất lượng giáo viên và sẽ được sử dụng chung cho cả nước. Giáo viên sau khi được đào tạo lại sẽ có một văn bằng riêng độc lập với văn bằng đã có. Những nội dung kiến thức đã được đào tạo trước đó sẽ được chuyển đổi sang văn bằng mới.

Mới đây, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết thêm, việc điều chuyển giáo viên theo chương trình phải căn cứ trên tinh thần tự nguyện của thầy cô chứ không ép buộc. Ngoài ra, theo bà Nghĩa, không phải giáo viên THCS nào cũng được lựa chọn đi học lại.

Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng khiếu nghệ thuật như hát nhạc, kể chuyện, mỹ thuật… phù hợp để đứng lớp dạy mầm non. Bên cạnh việc yêu cầu các địa phương rà soát đề đào tạo văn bằng 2 cho các giáo viên, Bộ sẽ có kiểm tra, giám sát chặt chẽ để có thể cam kết rằng sẽ có được đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non.

Lo ngại chất lượng

Liên quan đến vấn đề này, PGS Văn Như Cương- Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, số lượng giáo viên trên cả nước có chỗ thừa chỗ thiếu. Trong đó, tình trạng thừa nhiều nhất là ở những nơi thành thị như Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố, trung tâm dân cư khác. Còn ở những vùng sâu vùng xa, hải đảo thì tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn tồn tại nên Bộ GD&ĐT cần kiểm soát chặt chẽ và có hướng điều chuyển thích hợp.

Tuyệt đối không làm vội vã vì thừa cũng đã thừa, thiếu cũng đã thiếu rồi. Nếu không tuyển chọn được những người phù hợp, yêu nghề cô nuôi dạy trẻ nhiều áp lực, khó khăn thì đừng triển khai đại trà bởi thực tế thời gian qua có rất nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non diễn ra tại các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân.

Dù có thể có bằng cấp liên quan đến chuyên môn chăm sóc trẻ hoặc chưa có nhưng họ đều là những người tự nguyện theo nghề này, không ai ép buộc vậy mà vẫn không thể kiềm chế nổi trước những áp lực mà cấp học này đem lại. Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo kiến thức, kiểm tra phải đạt chuẩn giáo viên mầm non mới cấp bằng, phân công công việc thì cũng cần xem xét trên thái độ, kỹ năng và quan trọng nhất là sự phù hợp với công việc, tránh để đào tạo xong lại không dùng được hoặc người được đào tạo từ chối đứng lớp.

“Thực tế, ở TP.HCM dù có những chính sách đãi ngộ hơn hẳn nhiều địa phương khác cho giáo viên mầm non nhưng chỉ trong 3 năm gần đây, vẫn có gần 150 giáo viên mới tuyển dụng đã nghỉ việc, bỏ việc”- PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GDMN (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, với mục tiêu thu hút được 30% trẻ nhà trẻ ra nhóm, lớp vào năm 2020, ngành giáo dục cần chuẩn bị đủ số lượng giáo viên dạy nhà trẻ là 77.195 người (với một số giả định không thay đổi như tốc độ tăng dân số cơ học, mức sinh, tỷ lệ giáo viên mầm non về hưu). Có nghĩa, so với thời điểm hiện tại, chúng ta cần đào tạo, bồi dưỡng thêm gần 11.800 giáo viên mầm non vào năm 2020.

Đó là chưa kể giáo viên mầm non ở lớp mẫu giáo cũng cần tăng thêm. Vì vậy, việc điều chuyển nơi giáo viên chỗ thừa xuống chỗ thiếu là chủ trương hợp lý nhưng cần tiến hành thận trọng, bài bản bởi mỗi cấp học có những đặc thù riêng. Thậm chí, ngay trong giáo dục mầm non, chất lượng đội ngũ giáo viên thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhà trẻ cũng có những yêu cầu rất đặc trưng về kiến thức, kỹ năng và thái độ - có khác biệt rất lớn với giáo viên chăm sóc trẻ em mẫu giáo.

Thu Hương