Áp lực trên vai doanh nghiệp nhỏ
Chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp (DN), đóng góp 43,2% GDP và tạo việc làm cho khoảng 62% tổng số lao động cả nước, song các DN nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn đang phải đối diện với khá nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến khó khăn về vốn và áp lực về những chi phí không chính thức nếu muốn tồn tại.
Nhiều áp lực khiến DN ngày càng thu hẹp quy mô.
Gánh nặng vốn và chi phí ngoài luồng
Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2016 số lượng lớn DN rời bỏ thị trường tăng cao và số DN phải tạm ngừng hoạt động vẫn rất lớn. Cụ thể, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 19.917 DN, tăng 4.268 DN so với cùng kỳ năm trước (27,3%). Số DN tạm ngừng hoạt động không thời hạn hoặc chờ giải thể của cả nước là 40.750 DN, giảm gần 15.000 DN so với cùng kỳ (giảm 26,9%). Như vậy, tính chung số DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn, không thời hạn và chờ giải thể trong năm 2016 vào khoảng hơn 60.600 DN.
Những khó khăn về quy mô sản xuất, vốn, công nghệ, trình độ lao động… đặc biệt, là áp lực về chi phí ngoài luồng vẫn đang là những rào cản chính khiến các DN nhỏ dễ bị tổn thương và có nguy cơ ngày càng thu hẹp lại.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam): Một trong những nguyên nhân khiến cho các DN Việt ngày càng có nguy cơ thu nhỏ lại, một phần do thiếu về vốn. Khó tiếp cận nguồn vốn khiến cho DN không thể mở rộng quy mô. Nhiều DN than vãn, họ không thể tiếp cận nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng vì không có tài sản thế chấp.
Theo ông Tuấn, gần 90% DN đồng tình với nhận định “không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp”. Điều này có nghĩa là, ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Và thậm chí, ngay cả khi có tài sản thế chấp, thời gian vay của họ cũng chỉ trong vòng một năm với mức lãi suất cao tương đương các nhóm DN khác. “Với cách thức tiếp cận nguồn vốn như vậy, rất khó để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn” – ông Đậu Anh Tuấn nhận định.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, việc phải chi trả chi phí không chính thức là một gánh nặng khác mà các DN nhỏ và vừa phải đối mặt. Một số liệu điều tra cho biết: 62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Với các DN quy mô vừa và lớn, con số này là 70% và 69%.
Quy mô của khoản chi phí không chính thức so với doanh thu của các DNNVV cũng tương đối lớn. Khoảng 11% doanh nghiệp siêu nhỏ, 13% doanh nghiệp nhỏ và 10% DN quy mô vừa cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của DN. Với các doanh nghiệp lớn, con số này là 7%. Bên cạnh đó, một tỉ lệ tương đối lớn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (khoảng 65%) và doanh nghiệp vừa (62%) cho biết có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN”.
Như vậy, rõ ràng, nguyên nhân khiến các DN nhỏ và vừa của Việt Nam đã khó khăn lại càng khó khăn, đã nhỏ lại càng có nguy cơ bị thu hẹp lại, chính là nằm ở thực trạng thiếu vốn và phải đối diện với hàng loạt các loại chi phí ngoài luồng.
Cần tạo nhiều kênh hỗ trợ DN
Mặc dù Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp sức cho cộng đồng DNVVN, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khi vẫn còn tồn tại những chi phí không chính thức, những nhũng nhiễu từ phía cơ quan công quyền, các DN nhỏ của Việt Nam vẫn khó có thể lớn được.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn: Để các DN Việt Nam có thể nâng được sức cạnh tranh, điều quan trọng không chỉ nằm ở việc xóa bỏ các rào cản trong môi trường kinh doanh mà còn phải tạo những động lực để DN có “cảm hứng” mà phát triển. Hay nói cách khác, DN không chỉ mong giảm áp lực về gánh nặng chi phí ngoài luồng mà còn rất muốn được tiếp cận các kênh vốn một cách đơn giản, dễ dàng.
Đối với khó khăn về vốn, theo các chuyên gia kinh tế, việc các DN không thể tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng do không có tài sản thế chấp cũng là vấn đề cần phải tháo gỡ. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, cần mở ra các kênh tín chấp thông qua các hiệp hội, tổ chức, mua bán.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có đề xuất hỗ trợ cho cộng đồng DNVVN các chính sách nhằm hỗ trợ DN tiếp cận được tài chính một cách dễ dàng. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Thông qua các Hiệp hội, tổ chức có thể giúp các DN làm tốt phần quản trị tài chính, năng lực quản trị để tiếp cận được các nguồn vốn cũng là một cách để giải bài toán về vốn cho DNVVN hiện nay, chứ không nhất thiết phải “bơm” tiền cho DN.