Băn khoăn tôn tạo di tích Phố Hiến
Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (TP Hưng Yên) và cụm di tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) là những di tích trọng điểm, đồng thời là điểm đến thu hút du khách của vùng đất một thuở chỉ đứng sau Kinh kỳ xưa. Dẫu thế, việc phát huy giá trị của di sản gắn với du lịch cũng đang đặt ra ít nhiều băn khoăn. Mà câu chuyện bắt đầu từ chủ trương quy hoạch bảo tồn, tôn tạo những di tích trọng điểm.
Di tích chùa Chuông - Phố Hiến. (Ảnh: TL).
Cần cơ sở khoa học để phục dựng
Tháng 5/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 744/QĐ- TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn liền với phát triển du lịch”. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí trực tiếp (không nằm trong số kinh phí bố trí thường xuyên hàng năm cho các công trình văn hóa của tỉnh Hưng Yên). Thời gian thực hiện từ năm 2010- 2020.
Theo đó có 7 nhóm dự án thành phần. Trong đó nhóm dự án số 4: phục dựng Phố Hiến cổ, và nhóm dự án số 6: phục dựng mặt đứng phố cổ nối từ Phố Hiến Hạ đến các điểm di tích (khu vực Hồ Bán Nguyệt, chùa Chuông và Văn miếu Xích Đằng) liên quan trực tiếp tới việc phục dựng Phố Hiến. Theo các nhà nghiên cứu, đây là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ lập dự án, phương án kiến trúc, tổ chức triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Phúc Lai- nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Hưng Yên, là người từng tham gia nghiên cứu, biên soạn tài liệu, xuất bản sách về Phố Hiến chia sẻ: Khi địa phương triển khai họp bàn với nhân dân Phố Hiến Hạ để chuẩn bị giải tỏa, đền bù, triển khai dự án phục dựng Phố Hiến cổ (nhóm 4), ông được tiếp cận với nội dung và bản vẽ thiết kế phương án kiến trúc các nhà cổ với phong cách được coi là kiến trúc cổ Trung Quốc và kiến trúc cổ châu Âu- những quốc gia giao thương, lập thương điếm ở Phố Hiến thế kỷ 16, 17… Ông đã hết sức bất ngờ trước bản vẽ những mặt tiền nhà, thuyền buồm phương Tây chắp nhặt và mô phỏng, được cho là Phố Hiến cổ mà cho đến nay chưa đủ căn cứ khoa học để xác định Phố Hiến cổ hình thù như thế nào. Năm 2012, ông đã viết thư gửi lãnh đạo tỉnh bày tỏ băn khoăn: nếu phục dựng Phố Hiến cổ kiểu này thì vi phạm nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, gây ảnh hưởng cả trước mắt và lâu dài với người dân trên nhiều tuyến phố; vừa tốn kém và phản cảm… Tuy nhiên đến nay ông vẫn chưa hề nhận được ý kiến phản hồi từ lãnh đạo địa phương.
Ông Lai cho biết, hiện nguồn tài liệu làm căn cứ về kiến trúc, về không gian lịch sử Phố Hiến chưa thể giúp gì nhiều cho việc phục hồi và dựng lại Phố Hiến cổ. Chính vì vậy mà trong văn bản quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ có ấn định nội dung tiến hành khảo cổ (dự án nhóm 3), tiếp tục tìm kiếm sưu tầm tài liệu về Phố Hiến cổ ở trong và ngoài nước. Ông Lai chia sẻ thêm, cuối năm 2016 có dịp ghé qua Phố Hiến, ông được biết lệnh cấm xây sửa nhà ở khu vực này chưa thay đổi, nhưng đã có gia đình tự ý nâng tầng mà không thấy chính quyền có ý kiến gì.
Quy hoạch chồng quy hoạch?
Cùng với dự án phục dựng Phố Hiến cổ, câu chuyện về cụm di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung cũng khiến ông Lai trăn trở. Ông cho hay, hơn một năm trước khi về Đa Hòa, ông bất ngờ khi thấy cả một khu vực rộng trước cửa đền đã được làm phẳng, lát gạch, xóa đi con đường từ Trấn Giang Lâu phía ngoài sông vào tới sân đền, là trục thần đạo của ngôi đền. Ông Nguyễn Phúc Lai đã cùng nhà văn Lê Văn Ba (người đã có hai công trình nghiên cứu xuất bản về Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh và di tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung) cùng ký thư “Đề xuất và kiến nghị một số điều về di tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung” gửi những lãnh đạo địa phương và Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTT&DL.
Sau đó, ông Lai đã nhận được thư hồi âm của Văn phòng Tỉnh ủy Hưng Yên, tiếp đến là văn bản của Sở VH-TT&DL Hưng Yên đề xuất với UBND tỉnh khôi phục đường trục Thần đạo, làm việc với UBND TP Hà Nội, phối hợp giữ bãi Tự Nhiên tương truyền nơi công chúa Tiên Dung quây màn tắm và gặp gỡ nên duyên với Chử Đồng Tử… Đồng thời Sở VH-TT&DL cũng đề nghị lập dự án về đầm Dạ Trạch với Triệu Quang Phục. Thế nhưng cho đến hết năm 2016 mà tình hình vẫn án binh bất động.
Nhưng điều đáng lưu ý là “Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 khu văn hóa, du lịch và dịch vụ thể dục thể thao Chử Đồng Tử” do UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại Quyết định số 1301/QĐ- UBND ngày 6/8/2014. Nội dung và bản vẽ sơ đồ quy hoạch này đã chồng lên toàn bộ khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc làng Đa Hòa, đền Đa Hòa và cả khu vực sông Hồng vốn là bãi Tự Nhiên của Quy hoạch tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung mà Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt năm 2003; Quy hoạch này tiếp giáp sân golf ở phía Bắc kéo dài xuống đất bãi ngoài đê xã Dạ Trạch và xã Hàm Tử phía Nam.
Như vậy, không gian quy hoạch văn hóa gắn với du lịch năm 2003 ở cụm di tích này mới triển khai thực hiện được một hạng mục tu bổ đền Đa Hòa, tuy chưa có văn bản nào hủy bỏ, nhưng nay đã chuyển sang quy hoạch thể dục thể thao phát huy giá trị di tích thành khu văn hóa du lịch và dịch vụ thể dục thể thao, kiến trúc hiện đại với chất lượng cao. Nếu được triển khai thực hiện dự án nói trên, di tích đền Đa Hòa, không gian huyền thoại của truyền thuyết gắn với bãi Tự Nhiên, cả không gian lễ hội truyền thống không biết sẽ còn ra sao nữa.
Hưng Yên là một mảnh đất giàu tiềm năng di sản văn hóa, việc thu hút khách du lịch từ tiềm năng sẵn có đang ở trong tầm tay, nếu quần thể di tích Phố Hiến và di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung được đầu tư khai thác một cách bền vững, với nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ những giá trị văn hóa lịch sử của di sản. Công việc này cần nhiều vốn đầu tư, nhưng trước hết cần khơi dậy động viên nguồn lực trí tuệ, sáng kiến sẵn có trong nhân dân; giới nghiên cứu văn hóa – khoa học trong và ngoài tỉnh. Không nên bảo tồn di tích theo kiểu “tư duy dự án”, phụ thuộc vào những nhà đầu tư để rồi khi những giá trị văn hóa khi đã mất đi, có cứu vãn e rằng cũng không kịp.
Liên quan đến lộ trình thực hiện dự án phục dựng Phố Hiến cổ, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Đào Mạnh Huân- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hưng Yên cho biết: Địa phương muốn làm nhưng nhiều khi “lực bất tòng tâm”, vì vốn không có. Lúc đầu dự án định lấy vốn ODA của Ba Lan, nhưng sau không được. Dự án cũng đã làm quy hoạch nhưng hiện nay vẫn chưa thể triển khai. Vốn quy hoạch kiến trúc của dự án là bao nhiêu, ông Huân cũng không nắm rõ vì lúc đó ông chưa về Sở VH-TT&DL. Hiện ông vẫn chưa thể nói được gì về dự án này. |