Hàng ngoại ồ ạt thâm nhập thị trường

Thanh Giang 04/03/2017 08:35

Nhiều hiệp định thương mại đã và sắp có hiệu lực với hàng loạt mặt hàng được giảm thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam. Tới thời điểm này, sự thâm nhập của hàng ngoại vào thị trường Việt ngày càng diễn ra với tốc độ lớn hơn.

Ngay cả trái cây thì hàng nhập ngoại vẫn có mặt ở nhiều siêu thị.

Hàng ngoại đổ bộ

Trước đây các nhà quản lý cho rằng, tại các hệ thống bán lẻ hàng Việt chiếm tỷ lệ 98%, còn lại là hàng ngoại nhập. Thế nhưng hiện nay, tỷ lệ này đã và đang có sự thay đổi.

Ghi nhận của phóng viên, tại các hệ thống siêu thị như Lotte Mart, Big C, Giant, Citimart…, tại TP HCM, nhiều mặt hàng xuất xứ nước ngoài chiếm thế đứng khá vững tại các quầy kệ hàng gia dụng, bánh kẹo, trái cây, đồ uống, gia vị. Với mặt hàng gia dụng, nhiều quầy hàng đầy rẫy hàng hóa đến từ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia với rất nhiều sản phẩm. Một số siêu thị, hàng xuất xứ nước ngoài phong phú cả về chủng loại lẫn mẫu mã, thậm chí siêu thị nhiều siêu thị nhập khẩu cả những sản phẩm đơn giản như miếng rửa chén bát, miếng chùi xoong nồi, dây buộc tóc,…

Đối với mặt hàng đồ uống, bia ngoại cũng dồi dào về số lượng, nổi trội về mẫu mã. Sản phẩm bia từ các nước châu Á đến châu Âu đều có mặt. Trong đó, có nước chỉ vào thị trường bia Việt Nam với một sản phẩm, nhưng một số nước ghi dấu sự có mặt cùng 2 đến 3 loại bia khác nhau, trong đó có Đức, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ý, Úc, Nhật Bản, Thái Lan và cả bia đến từ Lào.

Nằm trong thực phẩm thức uống, dòng nước trái cây nhập khẩu cũng rất nhiều gồm nước nho, táo từ Tây Ban Nha, Thái Lan, Malaysia,… Điều đặc biệt, Việt Nam nổi tiếng với xứ sở dừa tươi nhưng đến thời điểm này lại đang nhập khẩu nước dừa đóng hộp của Indonesia và Thái Lan. Tương tự, trái cây ngoại cũng không nằm ngoài dòng chảy của xu hướng hiện tại. Trái cây ngoại nhập đa dạng về chủng loại, mềm mại về giá cả. Các mặt hàng trái cây dao động từ 59.000-169.900 đồng/kg, cá biệt có một số mặt hàng như cherry mới có giá cao ngất ngưởng là 700.000 đồng/kg. Còn có thể kể đến nho Úc xanh 169.900 đồng/kg, nho Úc đỏ 119.000 đồng/kg; cam Mỹ 74.000 đồng/kg, táo Mỹ từ 59.000 – 89.000 đồng/kg; táo Pháp 59.000 đồng/kg…

Gia tăng hệ thống phân phối

Không chỉ nở rộ tại hệ thống siêu thị, hàng nhập khẩu đang dần dần chiếm lĩnh thị trường thông qua nhiều kênh phân phối như: kênh bán hàng truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, chuỗi cửa hàng tiện ích. Nói về mặt hàng trái cây ngoại nhập, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, mỗi đêm lượng trái cây về chợ dao động từ 17.000 - 18.000 tấn, trong đó trái cây ngoại nhập cũng chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Táo, lê, cam của các nước: Thái, Hàn, Mỹ… là 3 mặt hàng được ưa chuộng hơn cả. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố hàng ngoại cũng hội tụ đầy đủ từ bánh kẹo; trái cây; nước sốt Ý, Mỹ;… Ngoài hệ thống phân phối hiện đại, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng tiện ích, nhiều cửa hàng chuyên bán đồ ngoại nhập cũng “mọc lên như nấm sau mưa”.

Điển hình, cửa hàng Thế giới hàng Mỹ (quận Tân Bình) trưng bày đầy đủ: hạnh nhân, yến mạch, bánh kẹo, nước hoa… Chuyên về hàng Mỹ phải kể đến US.Mart (quận 1) với nhóm thực phẩm đóng hộp như: bánh kẹo, ngũ cốc, nước trái cây, chocolate…

Nhiều ý kiến cho rằng, hàng ngoại nhập vào nhiều gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong năm 2016 cho thấy, nhóm hàng bánh kẹo, trái cây, đồ uống có tỷ lệ tiêu thụ nội địa thấp, dao động khoảng 60%. Tỷ lệ người Việt yêu thích và mua sắm sản phẩm xuất xứ nước ngoài đang nhích lên. Dự báo tăng mạnh trong vài năm trới khi cơ hội tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn. Bởi vì, đến nay Việt Nam có hơn 10 hiệp định thương mại tự do với các nước (8 hiệp định đang thực thi). Tính ra có khoảng 20 đối tác cam kết loại bỏ thuế tới 0%. Lộ trình cắt giảm thuế quan rất rõ, riêng với ASEAN, Việt Nam thực hiện cắt giảm về 0% vào năm 2018. Sắp tới đây khi hiệp định thương mại giữa Việt Nam - EU (28 nước) có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau từ 3 năm đến 7 năm, tùy mặt hàng.

Cạnh tranh gay gắt

Nhận định về việc Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng, Việt Nam khá mạnh dạn, táo bạo trong việc tham gia các hiệp định thương mại. Nhưng hội nhập mà thiếu sự chuẩn bị sẽ dẫn đến khó khăn. Đến thời điểm này không biết doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường nước ngoài đến đâu, chỉ biết thị trường nội địa đang tràn ngập sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, sự có mặt của hàng ngoại chỉ đang dừng lại ở mức độ “trình làng”. Sắp tới đây, hàng ngoại sẽ thâm nhập nhiều và cuộc chiến trong cạnh tranh thương mại chắc chắn gay gắt hơn. Theo PGS.TS Vũ Minh Khương- Đại học Quốc gia Singapore, có vẻ doanh nghiệp nội đang lơ là ở “sân nhà”, trong khi hàng hóa các nước ồ ạt thâm nhập thị trường Việt Nam.

Liên quan đến “làn sóng” hàng ngoại nhập, bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao bày tỏ quan ngại khi đặt câu hỏi: Hàng Việt sẽ ở đâu khi các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực do hàng hóa nước ngoài vào quá nhiều?

Thanh Giang