Áp dụng công nghệ cao mới thành công trong sản xuất nông nghiệp
“Chúng ta phải xác định, trong giai đoạn hiện nay là nhất giống và nhì công nghệ. Cùng với đó là sự cần cù sáng tạo, từ đó hợp tác hình thành trong chuỗi sản xuất, hợp tác bên ngoài sản xuất” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Lễ khởi công Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao Thông Thuận – Trà Vinh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Ngày 4/3, tại Trà Vinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Trà Vinh và Tập đoàn Thông Thuận đã tổ chức Lễ khởi công Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao Thông Thuận – Trà Vinh.
Dự buổi lễ có GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Trần Trí Dũng; Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agirbank) Tiết Văn Thành, khách hàng đến từ các nước Nhật Bản, Na Uy, Mỹ và bà con nông dân nuôi tôm giỏi ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hoà, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh nơi trực tiếp được hưởng lợi từ dự án này.
Khi nông dân thiếu giống tôm
Đối với tỉnh Trà Vinh nói riêng cũng như các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông cửu Long nói chung, nghề nuôi tôm đã trở thành một nghề truyền thống gắn liền với người nông dân và doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Quyền, xã Long Hoà, huyện Châu Thành được biết đến là một trong những hộ nuôi tôm giỏi. Hiện nay ông Quyền có 100 ha nuôi tôm. Trước đây ông Quyền nuôi tôm theo hình thức quảng canh nhưng do tình hình thời tiết có nhiều biến đổi, ông Quyền cũng như phần lớn bà con nuôi tôm ở địa phương đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
“Tuy nhiên, biến đổi khí hậu kéo theo dịch bệnh lây lan nhanh trên con tôm đã gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi trồng. Đặc biệt, việc ra đời nhiều thương hiệu tôm giống, không đảm bảo chất lượng gây khó khăn cho chúng tôi trong việc lựa chọn. Bản thân tôi trước đây đã từng lựa chọn nhiều loại tôm giống nhưng chất lượng không ổn định, tỉ lệ thành công không cao”, ông Quyền chia sẻ.
Sau khi tham quan nguồn cung cấp chất lượng giống ở miền Trung, ông Quyền và nhiều hàng xóm của mình đã chọn tôm giống của Tập đoàn Thông Thuận.
Nhờ đó, 2 năm vừa qua, gia đình ông Quyền đã giữ vững chất lượng nuôi tôm ổn định. Bởi vậy, việc thành lập Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao Thông Thuận ngay tại quê hương mình là một tin vui đối với không chỉ với ông Quyền mà còn là niềm vui của nhiều hộ nông dân nuôi tôm của Trà Vinh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lễ khởi công Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao Thông Thuận - Trà Vinh.
Làm dự án phải giúp dân cùng giàu
Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao Thông Thuận - Trà Vinh, thuộc Công ty Cổ phần thuỷ sản Thông Thuận - Trà Vinh, Tập đoàn Thông Thuận có diện tích 10,2 ha với năng lực sản xuất: Tôm thẻ chân trắng: 3,5 tỷ con/năm; tôm sú là 1,5 tỷ con/năm; tôm càng xanh toàn đực: 500 triệu con/năm; lai tạo tôm bố mẹ: 100 ngàn con/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương.
Ông Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, giống tôm chất lượng cao là nền tảng để con tôm phát triển mạnh khoẻ, với mục đích đó, việc Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao Thông Thuận - Trà Vinh ra đời là dấu ấn khẳng định sự phát triển trong tương lai của nghề nuôi tôm Trà Vinh.
Do vậy, UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các sở ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trung tâm sớm đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh tiến hành công tác xã hội hoá cũng như giám sát chất lượng công trình theo quy định.
Ông Đồng Văn Lâm yêu cầu các sở ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trung tâm sớm đi vào hoạt động.
Cũng theo ông Đồng Văn Lâm, Tập đoàn Thông Thuận cũng đã cam kết nhận 1.000 sinh viên của tỉnh trên địa bàn vào làm việc tại tất cả các dự án của Tập đoàn.
Chia sẻ với doanh nghiệp và bà con nông dân ấp Nhà Mát, thị xã Duyên Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đặt nhiều niềm tin vào dự án nuôi tôm giống công nghệ cao sẽ giúp bà con nuôi tôm Trà Vinh có thêm nhiều cơ hội để sản xuất an toàn. “Nhưng đã là dự án thì phải làm sao người dân cùng làm giàu với doanh nghiệp” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dự án có quy mô không quá lớn nhưng lại có tính chất hết sức đặt biệt. Bởi đây là một hoạt động cụ thể, thiết thực để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị cao, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, lượng nông dân nuôi tôm chiếm 80% trong diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Trà Vinh. Mỗi năm, Trà Vinh cần 3,4 tỷ con giống nhưng hoàn toàn lệ thuộc ở bên ngoài, giá thành vừa cao lại không đảm bảo chất lượng. Bởi vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc xây dựng Trung tâm sản xuất tôm giống là hướng đi đúng của Trà Vinh. Đồng thời không chỉ cung ứng tôm giống cho Trà Vinh mà còn cung ứng con giống cho 28 tỉnh vùng duyên hải.
Để dự án đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tập đoàn Thông Thuận đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường, không chỉ trong khu vực dự án mà còn phải ở phía ngoài dự án, biến đây trở thành một dự án mẫu về bảo vệ môi trường. Tập đoàn Thông Thuận cũng nghiên cứu thành lập nhà máy chế biến để đảm bảo giá trị sản phẩm ở mức cao nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Đã là dự án thì phải làm sao người dân cùng làm giàu với doanh nghiệp.
“Các sở ban ngành rà soát lại tổng thể quy mô nuôi trồng thuỷ sản nói chung của tỉnh Trà Vinh, trong đó có con tôm để có những nhóm giải pháp căn cơ từ đầu tư thiết chế hạ tầng đến kiểm soát đầu vào, đầu ra của sản phẩm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cũng từ dự án này, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị trường Đại học Trà Vinh đưa việc tái cơ cấu nông nghiệp trở thành một chương trình đào tạo đặc biệt.
Nhiều bên cùng “góp tay”, dự án sẽ thành công
Đánh giá cao sự đồng lòng quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như chính quyền Trà Vinh trong việc khởi công dự án sản xuất tôm giống công nghệ cao, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năm 2016, trong bối cảnh thời tiết bất lợi, thị trường quốc tế biến động nhưng xuất khẩu Việt Nam lại cao nhất từ trước đến nay trong đó có xuất khẩu tôm, từ đó góp phần làm cho kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, mặc dù tiềm năng xuất khẩu là rất lớn nhưng làm thế nào tăng thu nhập cho người nông dân thì đó mới chính là mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp.
Trong thời gian tới, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, mô hình sản xuất nông nghiệp cần thay đổi. Không chỉ sản xuất, tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu những cái mà chúng ta đang có và làm cái mình đang làm mà phải sản xuất theo nhu cầu của thị trường.
Nêu ví dụ con tôm trong việc hướng theo nhu cầu thị trường nếu giống không sạch thì không thể phát triển được, và để làm được điều này, theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, chắc chắn hộ nông dân không làm được, hợp tác xã không làm được mà phải là doanh nghiệp sản xuất chất lượng cao vào cuộc.
“Chúng ta phải xác định, trong giai đoạn hiện nay là nhất giống và nhì công nghệ. Cùng với đó là sự cần cù sáng tạo, từ đó hợp tác hình thành trong chuỗi sản xuất, hợp tác bên ngoài sản xuất” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Việc xây dựng Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao chính là một ví dụ điển hình cho việc thay đổi này.
Theo người đứng đầu Mặt trận, hiếm có một dự án nào chỉ trong vòng 25 ngày đã được cấp phép như việc khởi công Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao Thông Thuận - Trà Vinh.
Để đi đến thành công bước đầu này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá sự cao quyết tâm đồng lòng từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền tỉnh Trà Vinh, cho đến doanh nghiệp.
“Dự án khởi đầu cho một sự hội tụ: Chính sách của nhà nước, của bộ quản lý, những người có năng lực trong sản xuất tôm, cũng như sự góp mặt của Tổng giám đốc ngân hàng, của các khách hàng tiềm năng đến từ các nước Nhật Bản, Na Uy, Mỹ và bà con nông dân nuôi tôm… cho chúng ta niềm tin thành công từ một dự án”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Với thế mạnh Trà Vinh là miền đất có hai sông, một biển, giàu truyền thống cách mạng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến sự quyết tâm của các bên về những dự định trong tương lai sẽ sớm hoàn thành nhất là phấn đấu cuối năm nay sẽ có sản phẩm đầu tiên.
“Khi nào có được sản phẩm đầu tiên, nhiều người nở nụ cười, nhiều người rơi nước mắt, nhưng chắc chắn tất cả đều vì hạnh phúc”, người đứng đầu Mặt trận bày tỏ.
Cũng tại lễ khởi công đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Trà Vinh và Tập đoàn Thông Thuận và lễ phát động lễ trồng cây. Tập đoàn Thông Thuận cũng trao 150 triệu đồng cho quỹ an sinh xã hội thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, trao 50 triệu đồng cho quỹ an sinh xã hội xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải).
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chụp ảnh lưu niệm với đại biểu.
Lễ ký kết giữa Tập đoàn Thông Thuận và Đại học Trà Vinh.
Tập đoàn Thông Thuận trao 150 triệu đồng cho Quỹ vì người nghèo thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Ông Katsuyuki Nakasu.
Ông Trương Hữu Thông.
Ông Tiết Văn Thành.
Tỉnh Trà Vinh trao bằng khen cho Tập đoàn Thông Thuận.