Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Cố đô Huế
Sáng nay (4/3), Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến Đại nội thăm điện Thái Hòa và thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế.
Nhà vua và Hoàng hậu vào thăm Đại nội.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu; Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao và lãnh đạo thành phố Huế tháp tùng và trân trọng kính mời Nhà vua và Hoàng hậu thăm hoàng cung xưa của vương triều Nguyễn tại cố đô Huế.
Từ năm 1990, thông qua UNESCO, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho Việt Nam 100.000 USD để trung tu di tích cửa Ngọ Môn. Năm 1993, Di tích Huế trở thành di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Với sự giúp đở của các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam lập Hồ sơ quốc gia ứng cử Nhã nhạc là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại và đã được UNESSCO công nhận năm 2003.
Để Di tích Huế hồi sinh như hôm nay, ngoài nỗ lực của Việt Nam còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có nhiều đối tác Nhật Bản. Với sự giúp đỡ của Đại học Waseda, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế được hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo chuyên môn về phục hồi, trùng tu, bảo vệ di tích.
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản ở Duyệt Thị Đường.
Sau khi thăm điện Thái Hòa, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến Duyệt Thị Đường. Trong ít phút, các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trình diễn các bài bản: Tam luân cửu chuyễn; múa Lân mẫu xuất Lân nhi và múa Lục Cúng Hoa Đăng.
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko khen ngợi thăm hỏi nhạc công Hoàng Trọng Cường về sự khác nhau của nhạc cụ.
Nhạc công Hoàng Trọng Cường bày tỏ: “Tôi rất vinh dự và vui mừng khi cùng anh chị em tham gia biễu diễn cho Nhà vua và Hoàng hậu xem. Đây là lần thứ hai chúng tôi có vinh dự này, trước đó là năm 2007 chúng tôi đã sang Nhật Bản và biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế cho Nhà vua và Hoàng hậu xem.
Thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế.
Chiều cùng ngày, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự.
Cụ Phan Bội Châu là nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Với mục đích học tập Nhật Bản, tháng 1/1905, lần đầu tiên một số sĩ phu Việt Nam do cụ Phan Bội Châu dẫn đầu đã sang Nhật. Tại đây, họ nhận được sự giúp đở của một số nhà yêu nước, ủng hộ Việt Nam như Okumura, Kashiwabara Buntaro, bác sĩ Asaba Sakitaro...
Từ năm 1906, phong trào Đông Du đi vào hoạt động ngày càng rầm rộ trên cả ba miền đất nước, hàng loạt các tác phẩm của Phan Bội Châu như Hải ngoại huyết thư, Kính cáo toàn quốc phụ lão, Tân Việt Nam, Để tỉnh quốc dân hồn… được dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ gửi về nước nhằm thức tỉnh tinh thần yêu nước, kêu gọi đồng bào ủng hộ phong trào Đông Du chống Pháp.
Từ năm 1907-1908 là thời kỳ phong trào Đông Du phát triển mạnh nhất với trên 200 lưu học sinh. Trong quá trình tổ chức huấn luyện cũng như việc đưa số du học sinh này về Việt Nam, nhân dân Nhật Bản, đặc biệt là bác sĩ Asaba Sakitaro đã giúp đỡ phong trào. Năm 1918, cụ Phan Bội Châu cùng các nhà yêu nước Việt Nam đã trở lại Nhật Bản. Và để tri ân nghĩa cử hào hiệp của những người bạn Nhật Bản, cụ Phan Bội Châu đã dựng tấm bia tri ân khi bác sĩ Asaba Sakitaro đã qua đời.
Sau khi thăm ngôi nhà lưu niệm, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến khu lăng mộ tưởng niệm, nhà chí sĩ Phan Bội Châu.
Trong thời gian ở ở Huế, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã gặp gỡ các nhân viên tình nguyện của JICA đang hoạt động, làm việc trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.