Mạnh dạn loại bỏ yếu tố lạc hậu

Duy Khang (ghi) 05/03/2017 07:30

Cuộc bình chọn quy định tốt, quy định tồi của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận xã hội. Giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình và coi đây như một bước đi cần thiết để giúp các nhà làm chính sách xây dựng được những văn bản hiệu quả, đảm bảo tính thực thi và tạo động lực hỗ trợ xã hội phát triển. Đại Đoàn Kết ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

Loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà để tăng điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Có đến 23.000 cơ quan có thể ban hành văn bản

Tôi đánh giá cao báo cáo của VCCI về các quy định tốt, quy định chưa tốt của năm 2016 vừa được công bố mới đây. Đây là một báo cáo khách quan, cầu thị và có tinh thần xây dựng, chứ không tìm cách bới móc ai, chơi xấu ai. Và những phản ứng của các cơ quan nhà nước, cơ quan ban hành pháp luật cũng rất tích cực. Cụ thể, trong 30 văn bản được đề cử chưa tốt thì đã có 5 văn bản được sửa đổi và 13 văn bản đang xin phép sửa đổi.

Ông Lê Đăng Doanh.

Hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta hiện đang quá ôm đồm. Có đến 20 loại văn bản từ luật cho đến quyết định, nghị định, chỉ thị… Nếu xem xét từ cấp Quốc hội, Chính phủ, rồi đến các bộ, ban, ngành cho đến cơ quan thấp nhất là UBND phường, xã... chúng ta có đến 23.000 cơ quan có thể ban hành văn bản. Cho nên việc thực hiện chương trình bình chọn các quy định tốt xấu là bước ban đầu để giảm thiểu sự cồng kềnh trong bộ máy ban bành văn bản mà tới đây sẽ phải tiếp tục.

Chúng ta thấy đó, tiến bộ khoa học phát triển như vũ bão. Bây giờ người ta ngồi ở bất kỳ đâu cũng đều có thể giao dịch bằng điện thoại, laptop, ipad. Cho nên, quy định phải chấp nhận sự thay đổi phải phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội và người xây dựng chính sách phải tiếp cận theo xu hướng đó. Một ví dụ nữa, Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu đưa xe ôtô tự lái trên các đường cao tốc và tiếp sau đó là đưa ôtô tự lái vào trong thành phố. Lúc đấy có ai cần xe ôtô, có ai cần taxi nữa không?

Bởi vậy, tôi cho rằng, cuộc bình chọn này là một đóng góp rất xây dựng để cơ quan ban hành văn bản phải xem xét lại, trong quá trình xây dựng văn bản phải có sự đầu tư, nghiên cứu, tham khảo DN để văn bản được ban hành đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả và khả thi.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC): Còn thiếu tiếng nói từ đối tượng chịu tác động

Với chủ trương coi DN là đối tác của Chính phủ thì những bình chọn, đánh giá việc xây dựng và thực thi chính sách chính là những điều kiện cần và đủ. Cuộc bình chọn những quy định pháp luật tác động tốt nhất và những quy định tác động chưa tốt của cộng đồng DN là phù hợp với chức năng của VCCI.

Ông Trần Hữu Huỳnh.

Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định sau một thời gian ban hành chính sách, các cơ quan nhà nước sẽ phải tổng kết, rà soát và đánh giá lại tính khả thi, tác động của các văn bản đó tới xã hội.

Tuy nhiên, những đánh giá đó vẫn mang tính một chiều, nó chủ yếu thể hiện tiếng nói của cơ quan Nhà nước mà thiếu đi tiếng nói từ những người trực tiếp chịu sự tác động, như vậy là chưa đầy đủ. Nếu chỉ cơ quan nhà nước đánh giá các chính sách thì nó có thể tốt nhưng thực tế cuộc sống lại không hoàn toàn như vậy.

Đơn cử như Điều 60 của Bộ luật Lao động đã phải sửa lại ngay khi chưa có hiệu lực thực thi. Tôi cho rằng, cuộc bình chọn đã thực sự mang lại ý nghĩa, những ý kiến đóng góp sẽ góp phần phục vụ cho công tác sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan ban hành văn bản sẽ có thêm một công cụ, một nguồn thông tin từ thực tiễn để có thể làm tốt hơn công tác ban hành, rà soát chính sách của mình.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Phải đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực

Các nước đều đưa ra các chuẩn mực về một quy định tốt như 8 nguyên tắc của OECD đánh giá một quy định tốt bao gồm: Có mục tiêu chính sách rõ ràng và đạt được mục tiêu đó; có cơ sở pháp lý và dựa trên bằng chứng rõ ràng; tạo lợi ích lớn hơn chi phí bao gồm cả những chi phí về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường; giảm thiểu chi phí và tạo ra méo mó thị trường; Thúc đẩy sự sáng tạo; rõ ràng đơn giản và hợp lý; tương thích với các quy định khác và cuối cùng là phù hợp với nguyên tắc trong nước và quốc tế về thúc đẩy đầu tư, thương mại, cạnh tranh. Tuy nhiên ở Việt Nam, chúng ta xây dựng dường như không đặt ra chuẩn mực nào.

Ông Phan Đức Hiếu.

Theo tôi, chuẩn mực của quy định tốt đương nhiên phải bao gồm các yếu tố: Tính hợp lý, hợp pháp, tính rõ ràng minh bạch. Đó là những chuẩn mực cần phải đạt được. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến hai chuẩn mực quan trọng: tính hiệu lực và tính hiệu quả.

Tính hiệu lực của một văn bản phải nhằm được một mục tiêu cụ thể và phải giải quyết được vấn đề của xã hội. Tính hiệu quả phải tạo ra lợi ích xã hội lớn hơn chi phí của việc thực thi và tuân thủ quy định đó. Cần lưu ý rằng, khi chúng ta ban hành một văn bản quy phạm pháp luật đương nhiên sẽ tạo ra 3 chi phí: Chi phí hành chính, chi phí đầu tư và chi phí cơ hội rủi ro.

Tôi cho rằng, Chính phủ không nên hành động để giải quyết vấn đề chừng nào vấn đề đó chưa được xác định rõ ràng để tránh tạo ra những chi phí không đáng có cho DN. Đó còn chưa kể đến, nhiều quy định cũ lạc hậu không phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà nhiều ý kiến đã nêu lên.

Lỗi thường gặp đối với các nhà lập pháp nằm ở mấu chốt là, họ chủ yếu quan tâm đến tính hiệu lực mà bỏ qua tính hiệu quả. Nói cách khác họ vẫn tư duy “quản lý bằng mọi giá” mà không tính đến các chi phí về đầu tư, hành chính, rủi ro mà người thực thi phải gánh chịu.

Vậy làm thế nào để có những quy định chính sách chất lượng hơn? Nước ta đã có công cụ tốt để đánh giá chính sách nhưng công cụ đó không được áp dụng một cách có hiệu quả, các cơ quan có liên quan không sử dụng công cụ này như một công cụ để thẩm tra để đánh giá chính sách.

Theo thông lệ thực tế một số nước đã lập một cơ quan riêng, độc lập để kiểm soát chất lượng đánh giá chính sách, có nghĩa là, những đề xuất về chính sách chỉ được trình các cơ quan chức năng thông qua nếu chất lượng chính sách đó đảm bảo ở mức tốt, đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả. Và chỉ khi được thẩm tra, đánh giá, thông qua, chính sách đó mới được ban hành. Ở Việt Nam chúng ta chưa thực hiện được điều này.

Duy Khang (ghi)