Khủng hoảng sau vụ bắt giữ nhà báo
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức dường như đã rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Berlin “hỗ trợ và tiếp tay” cho khủng bố trong một vụ tranh chấp liên quan tới việc bắt giam một nhà báo hai quốc tịch Đức-Thổ ở Ankara.
Căng thẳng Đức-Thổ đã bị đẩy lên tới mức khủng hoảng. (Nguồn: FT).
Trong một phát biểu tại Istanbul hôm 4/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rằng ông Deniz Yucel- một nhà báo của tờ Die Welt , vừa là điệp viên vừa là một “đại diện” của nhóm nổi dậy người Kurd PKK. Ông Yucel bị bắt giam trong tuần này và chờ bị xét xử với các cáo buộc tuyên truyền và xúi giục. Ankara cáo buộc chính quyền Berlin đã chứa chấp nhà báo này tại tòa Đại sứ ở Istanbul trước khi chịu giao nộp cho chính quyền.
“Họ cần phải bị đem ra xét xử vì hỗ trợ và tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố”- Tổng thống Erdogan tuyên bố.
Bình luận của ông Erdogan xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, Bekir Bozdag, lên tiếng kêu gọi Đức nên nhìn lại lịch sử của nước mình, thêm rằng ông là nạn nhân của một vụ phân biệt chủng tộc do bị chặn không được tổ chức một cuộc tuần hành ở một thị trấn Tây nam nước này.
Ông Bozsdag còn nói rằng Đức đã trở thành một nơi ẩn náu cho những kẻ chống đối lại chính quyền của Tổng thống Erdogan. “Đức ngày nay đã trở thành nơi ẩn náu cho những kẻ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, như PKK, Feto, DHKP-C. Những kẻ tìm cách đảo chính và những kẻ tội phạm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ đã chạy trốn tới đó”- ông Bozdag nói.
Trước đó, giới chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đã hy vọng sẽ tổ chức tuần hành tại nước Đức để ủng hộ người Thổ trước kỳ trưng cầu dân ý tổ chức trong tháng tới nhằm ủng hộ quyền lực của ông Erdogan. Đề xuất tăng thêm quyền lực cho Tổng thống sẽ cho phép ông Erdogan được phép phế truất Thủ tướng, chỉ định thêm các thẩm phán và kéo dài thời gian nắm quyền.
Và việc chính quyền Đức ngăn chặn các cuộc tuần hành này đã khiến Ankara tức giận, quay sang buộc tội chính phủ Đức đang cố gắng ngăn chặn chính quyền ông Erdogan thực hiện cải cách Hiến pháp. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu còn lên tiếng cáo buộc Chính phủ Thủ tướng Angela Merkel là “ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mạnh mẽ”.
Ông Cavusolgu đã triệu tập Đại sứ Đức tại Ankara, ông Martin Erdmann, trong hôm 3-3 để yêu cầu giải thích về việc ngăn chặn cuộc tuần hành có bài phát biểu của ông Bozdag ở một số địa điểm trên nước Đức.
Nhiều ý kiến của giới quan sát cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đào sâu vụ việc cuộc tuần hành bị ngăn chặn. Tuy nhiên chính phủ của bà Merkel hiện khó có thể phản ứng mạnh do chịu sức ép từ sự chia rẽ chính trị trong nước.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cũng đang đối mặt với nhiều sức ép chính trị do không thể đối đầu trực tiếp với những cáo buộc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các vấn đề nhân quyền, trong đó bao gồm cả vụ bắt giữ nhà báo Yucel.
Trong lúc mà trên khắp nước Đức đang rộ lên làn sóng kêu gọi trả tự do cho nhà báo Yucel, một bức thư mà ông này công bố trong hôm 4/3 cho hay ông đang trong trạng thái tinh thần và điều kiện ổn định, trong khi nơi ông bị giam giữ cũng không có gì khắc nghiệt.