Thi trắc nghiệm: Học sinh và giáo viên cùng bỡ ngỡ
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, ngoại trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều được thi với hình thức trắc nghiệm. Nhiều ưu điểm nổi bật như rút ngắn thời gian thi, tiết kiệm chi phí, thuận tiện cho công tác chấm bài, biết kết quả thi sớm...Tuy nhiên, kiểu thi trắc nghiệm đồng loạt cũng đặt ra không ít thách thức cho các thí sinh và cả giáo viên.
Trao đổi bài thi.
Vẫn băn khoăn
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có 8 trên tổng số 9 môn thi được ra đề dưới hình thức trắc nghiệm. Riêng đối với 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, cấu trúc đề và thời gian thi có nhiều thay đổi hơn. Cụ thể, một bài thi tổ hợp bao gồm 120 câu được sắp xếp lần lượt theo thứ tự 3 môn thi với thời gian làm bài của mỗi môn là 50 phút.
Trước đây, với các môn thi trắc nghiệm độc lập, đề thi gồm 50 câu và thời gian làm bài là 90 phút. Năm nay, khi tổ hợp 3 môn độc lập thành một bài thi, trong khi số câu tổng cộng chỉ giảm 30 câu thì thời gian làm bài bị bớt đi rất nhiều, từ 270 phút giờ chỉ còn 150 phút.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa- Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM thời gian giảm như vậy là khá nhiều ít nhiều tạo áp lực cho thí sinh trong buổi làm bài thi. Do đó, các em cần phải được ôn luyện với dạng thức của một bài thi gồm nhiều môn thi để có thể làm quen với cường độ làm bài trong một thời gian ngắn mà số lượng câu khá nhiều.
Bên cạnh áp lực thời gian làm bài, thí sinh năm nay còn đối diện với nhiều mối lo khác như phải thích ứng nhanh với dạng đề mới, nhiều thay đổi trong cách thức thi, kỳ thi tổ chức sớm hơn gần 2 tuần… Trên thực tế, các trường trung học phổ thông đã sớm chủ động thay đổi cách thức giảng dạy, ôn tập cũng như cho các em học sinh khối 12 làm quen với dạng đề trắc nghiệm nhưng đến nay, không ít em vẫn băn khoăn.
“Em lo nhất là thời gian thi bị rút ngắn trong khi lượng kiến thức thì vô cùng lớn vì năm nay phải thi tổ hợp 3 môn. Có khi chọn đáp án ngẫu nhiên, phụ thuộc vào may mắn”- Em Thu Hà, học sinh lớp 12 Trường Đoàn kết (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Thi trắc nghiệm, không riêng gì học sinh, ngay cả giáo viên cũng gặp nhiều thách thức. Nhất là giáo viên giảng dạy các môn khoa học xã hội. Làm sao có thể giúp học sinh nắm bài nhanh, nhớ nhiều số liệu, từ khóa để hoàn thành tốt một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội hiện vẫn là câu hỏi khiến nhiều giáo viên đau đầu- một giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trường THPT Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ.
Ông Hàn Thanh Tùng- Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đổi mới cách dạy, ôn tập và cả cách kiểm tra, cập nhật nhiều dạng đề theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT là điều mà các trường đang yêu cầu giáo viên thực hiện. Tuy nhiên, ông Tùng cũng tâm tư: Những thầy cô lớn tuổi đã quen với cách thức truyền thống là dạy tự luận nên chuyển qua trắc nghiệm như thế này thì thầy cô hơi chậm. Đó là băn khoăn của nhà trường.
Chọn thi môn Lịch sử cao hơn
Tại Hà Nội, đến thời điểm này, nhiều trường THPT đã cho học sinh đăng ký môn thi để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào ngày 22/6 tới. Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn thi tổ hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh vật) vẫn cao. Tuy nhiên, khác với các năm trước, năm nay số học sinh chọn bài thi môn Lịch sử và Địa lý đã cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trường đã tổ chức cho học sinh khảo sát về nguyện vọng của các em. Tỷ lệ khoa học tự nhiên là 303 học sinh, và khoa học xã hội là 153. Về hình thức thi, theo bà Nhiếp dù là trắc nghiệm hay tự luận thì vẫn phải nắm chắc kiến thức cơ bản.
Hiện, thống kê sơ bộ cho thấy, đa số học sinh đều chọn một trong hai tổ hợp môn để đăng ký dự thi, chưa thấy học sinh nào đăng ký cả hai tổ hợp môn.
Ông Hà Xuân Nhâm- Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Cho đến bây giờ chưa thấy học sinh nào đăng ký hai bài. Việc chọn bài thi liên quan đến việc phân bổ các lớp học. Trường đã phân thành hai ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cho nên 100% học sinh học ban khoa học xã hội thì đăng ký bài thi của khoa học xã hội, tương tự cũng vậy đối với bài khoa học tự nhiên.
Điểm mới của năm nay là khi thí sinh chọn tổ hợp môn thi khoa học xã hội để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học sẽ phải thi ba môn gồm Địa lý, Giáo dục công dân, Lịch sử. Do vậy, so với mọi năm, số lượng học sinh chọn bài thi liên quan tới môn Lịch sử, Địa lý ở các trường cũng tăng hơn. Không còn tình trạng trường không có thí sinh đăng ký môn Lịch sử như những năm trước đây.
Cô Tống Thị Thoa, giáo viên dạy môn Địa lý (Trường THPT Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Địa lý hiện đã là một trong những môn thi bắt buộc tổ hợp xã hội vì thế giáo viên rất nỗ lực tìm kiếm tài liệu và tổ chức phương pháp để đưa ra các tình huống thích nghi với đề thi. Trước đây, các môn xã hội thường được các em coi là môn phụ và học không tập trung. Năm nay, thống kê sơ bộ thì tỷ lệ thi tự chọn xã hội và tự nhiên gần như tương đương nhau.
Theo Hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 đã rút ngắn thời gian đăng ký thi xuống còn 20 ngày thay vì 1 tháng như năm ngoái. Đại diện nhiều trường cho rằng, thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thi của thí sinh nhưng đòi hỏi các em phải nghiêm túc hơn trong việc chọn môn thi nhằm tránh trường hợp phải thay đổi liên tục mất thời gian.
Ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Sở đã có văn bản yêu cầu các trường THPT sử dụng kỳ kiểm tra khảo sát học kỳ hai của lớp 12 để học sinh làm quen với phương thức thi mới ở tất cả các khâu như phân chia phòng thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi... Các trường làm đề tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các môn tự luận, trắc nghiệm môn thi riêng Toán, Ngoại ngữ soạn y như thi tốt nghiệp để cho các em làm quen; đồng thời để cho các thầy cô giáo biết cách trông thi theo hình thức mới.
Dự kiến, thời gian thi khảo sát là 2,5 ngày, từ ngày 20/3 đến hết sáng 22/3. Chậm nhất ngày 3/3/2017, Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố thi thử như kỳ thi THPT quốc gia nhưng không lấy kết quả làm điểm kiểm tra học kỳ 2. |