Ngăn ngừa trục lợi Bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế là một chính sách nhân đạo. Nhưng thời gian qua việc thực hiện lại đang có những bất cập, trong đó có việc nhiều người lợi dụng kẽ hở để khám chữa bệnh ở nhiều nơi nhằm mục đích lấy thuốc mang bán.
Trao đổi với ĐĐK, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp quản lý ngăn chặn việc trục lợi này, không để lợi dụng BHYT lấy thuốc đem bán.
Ông Bùi Sỹ Lợi.
PV: Là thành viên của cơ quan thẩm tra, ông nhận định như thế nào về việc thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế trong thời gian vừa qua?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế (BHYT) là quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh một cách tốt nhất. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, người dân và các cơ sở khám chữa bệnh đồng tình và đem lại lợi ích rất tốt đẹp với người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện khám chữa bệnh theo thông tuyến vẫn còn rất bất cập. Thứ nhất, các hệ thống văn bản chuẩn bị chưa tốt, hướng dẫn thiếu đầy đủ, còn chồng chéo.
Thứ hai, cơ sở vật chất kỹ thuật điều kiện của các bệnh viện chuẩn bị cũng chưa đầy đủ theo đúng tinh thần của thông tuyến.
Thứ ba, quan trọng nhất là hệ thống thông tin dữ liệu để kiểm soát người đi khám chữa bệnh cũng chưa tốt. Cho nên mới có tình trạng bệnh nhân đi khám nhiều lần ở nhiều bệnh viện khác nhau, thậm chí đi khám nhiều lần trong 1 tuần, 1 tháng, hay nhiều lần trong nhiều tháng.
Bên cạnh đó cũng có việc người dân thông tuyến lên nhưng không đúng tuyến kỹ thuật, gây tác hại cho người dân trong việc đi lại gặp khó khăn.
Ví dụ như đau đầu, xổ mũi có thể khám ngay ở xã, hoặc bệnh đó về mặt kỹ thuật thì huyện làm tốt, không cần phải thông lên tuyến tỉnh hay Trung ương. Nếu chúng ta không làm tốt thì đến năm 2021 thông tuyến toàn quốc thì rõ ràng sẽ gặp khó khăn.
Hiện có một thực trạng là nhiều bệnh viện xin được xuống hạng để được hưởng thông tuyến. Điều đó có phải là một nghịch lý, thưa ông?
- Nó do cơ chế của chúng ta, tức là phải hạng 3 của tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện thì mới được khám thông tuyến.Quy định này áp dụng từ 1-1-2016 cho nên nhiều nơi đang hạng 2 họ xin xuống hạng 3 để được khám chữa bệnh theo hình thức thông tuyến.
Nhưng vấn đề quan trọng, để quản lý tốt nhất phải bằng văn bản quy định của Nhà nước. Tức là Bộ Y tế phải quy định điều kiện, tiêu chuẩn, phân loại, phân hạng các bệnh viện để làm sao nếu bệnh viện đó kỹ thuật của họ tốt thì họ là hạng 2, chưa tốt là hạng 3.
Còn việc hạng 2 hay 3 được khám chữa bệnh nội trú là quy định của pháp luật theo Luật BHYT. Cho nên vấn đề hướng dẫn chỉ đạo của các bộ, ngành là cần thiết kịp thời để đúng nhu cầu của xã hội.
Việc người dân đi khám chữa bệnh nhiều lần ở nhiều bệnh viện khác nhau gây thâm hụt quỹ BHXH. Vậy theo ông cần có giải pháp để khắc phục tình trạng trên?
- Ở đây có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, nếu người bệnh ốm thật thì đó là việc bình thường. Nhưng quan trọng là người ta không ốm, và không có việc làm cho nên họ đi khám từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, trong ngày khám nhiều lần, trong tuần khám nhiều lần.
Mục tiêu của họ là để trục lợi, lấy thuốc rồi sử dụng thuốc đó cho người khác hay mang bán. Nhưng rõ ràng đó là hình thức, biểu hiện của việc trục lợi và lạm dụng.
Như vậy có nghĩa khi người dân có biểu hiện trục lợi và lạm dụng, các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp quản lý.
Biện pháp quản lý trong luật đã nói rồi. Đó là làm sao nhanh chóng đẩy nhanh lộ trình thực hiện hiện đại hóa công nghệ thông tin, nếu thông tin thông tất cả các tuyến thì không ai có thể thoát khỏi chuyện nay đi khám ở viện này, chiều đi khám ở viện kia vì sẽ phát hiện được ngay.
Nhưng cũng lại có việc bệnh viện mang xe đi đón bệnh nhân để kéo bệnh nhân về khám chữa bệnh ở bệnh viện mình. Ông nghĩ sao về việc đó?
- Phải khẳng định rằng, nếu miền núi vùng sâu xa, đồng bào dân tộc khó khăn mà bệnh viện có xe chở người ta thì rất tốt. Nhưng đồng bằng thành phố, thành thị có lẽ là vấn đề biểu hiện của trục lợi.
Tôi vừa đi khảo sát thấy rằng nhiều nơi ở vùng núi, bệnh viện họ thấy khó khăn, họ đưa xe lên đón từ xã lên huyện, hay huyện lên tỉnh thì quá tốt.
Tuy nhiên cơ chế chính sách của ta kèm theo cái ưu, thuận lợi, cũng có một bộ phận lạm dụng và lợi dụng. Cho nên giải pháp quan trọng nhất là quản lý của cơ quan chức năng quản lý nhà nước.
Nhưng chỉ có một điều đáng lưu ý là Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phải xử lý, và phát hiện nhanh việc trục lợi đó. Một câu hỏi đặt ra là tại sao để nó kéo dài như vậy?
Thì đó chính là cái yếu của công tác quản lý của ta. Phải chấm dứt ngay lạm dụng, trục lợi và đẩy nhanh lộ trình thông tuyến.
Nhưng muốn thông tuyến thì bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao chất lượng kể cả kỹ thuật, nhân lực. Chưa chuẩn bị điều kiện mà bắt đầu làm sẽ dẫn đến lạm dụng và trục lợi.
Cá nhân ông có đồng tình với các giải pháp của Bộ Y tế và BHXH đưa ra không?
- Giải pháp đưa ra phải xuất phát từ bất cập của thực tiễn, bây giờ phải khắc phục. Bộ Y tế có mâu thuẫn trong quá trình thanh toán, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh.
Những gì vướng mắc ở địa phương, chức năng quản lý nhà nước phải giải quyết. Còn BHXH Việt Nam là người quản lý đồng tiền thì anh phải quản lý cho chặt, cho đúng.
Nhưng nguyên tắc người dân ốm đau, anh phải chi bằng mọi giá. Vì họ đóng BHYT, họ phải được hưởng quyền lợi một cách tối đa.
Ngành y tế hay bệnh viện bao giờ họ cũng mong muốn chăm sóc cho người bệnh là tối đa, tức là tối đa tiền ở mức cao nên BHXH phải có giải pháp làm sao dung hòa hai cái này.
Còn kiến nghị của BHXH Việt Nam muốn bỏ “đồng chi trả” là vấn đề không thể chấp nhận được. Vì đồng chi trả nó kiểm soát tốt, nâng cao trách nhiệm.
Đồng chi trả thể hiện quan điểm tư tưởng trách nhiệm, nhân văn của Nhà nước ta. Riêng người nghèo, người có công, ta không đồng chi trả đó là quá trình đấu tranh bền bỉ của Quốc hội mới đạt được mục tiêu đó.
Trân trọng cảm ơn ông!