Kè Gành Hào liên tiếp bị sạt lở: Nỗi lo 'cuối biển, đầu sông'
Liên tiếp những tháng gần đây, mặc dù đang vào mùa khô nhưng kè Gành Hào, huyện Đông Hải và kè Nhà Mát (Bạc Liêu) vẫn liên tiếp bị sạt lở. Gần 8.000 người đang bị ảnh hưởng cuộc sống, sản xuất do tình trạng sạt lở kè biển. Bạc Liêu đã mời 6 cơ quan hàng đầu của cả nước về kè để tham khảo trước khi đưa ra giải pháp khắc phục.
Gành Hào bị đe dọa.
Ngày 2/3, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký Quyết định công bố thiên tại tại kè Nhà Mát và kè Gành Hào; giao Sở NNPTNT đánh giá, đề xuất các phạm vi, khu vực cần sơ tán dân cư, di dời các cơ sở sản xuất, nhà cửa của dân để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản.
Trước đó, liên tiếp trong hai ngày 28/2 và 1/3, kè đê biển Gành Hào (huyện Đông Hải) và kè Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) tiếp tục sạt lở trong đó, kè Gành Hào bị sạt lở nghiêm trọng.
Trước Tết Nguyên đán, dù đã khắc phục tạm thời, nhưng do sóng to, gió lớn trong các ngày 11 đến 13/2 nên đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Đến ngày 28/2 và 1/3, tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng hơn. Cụ thể, chiều dài sạt lở đến 87m, chiều rộng sạt lở 10m, chiều sâu sạt lở trung bình 2,5m.
Phần hành lang phía sau tường kè bị sạt lở dài 65m, lở chiều rộng trung bình 6m, sâu từ 0,2 - 1,5m. Nguy hiểm nhất là phần mũ chắn sóng bị gãy hoàn toàn trên 47m. Tại kè Nhà Mát, phần thiệt hại trong hai ngày qua phần mũ chắn sóng kè sạt gãy thêm 3,8m rơi xuống mái kè…
Theo UBND huyện Đông Hải, có trên 8.000 hộ dân tại ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo đánh giá của đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam- đơn vị tư vấn kỹ thuật công trình khắc phục sạt lở, kè Gành Hào được xây dựng cách đầy 11 năm. Mỗi khi đến mùa mưa bão, bãi bồi nơi đây mất dần, mất dần để rồi 3 năm gần đây khi nước ròng (thủy triều xuống), người dân không còn thấy bãi.
Sau 11 năm đưa vào sử dụng, quan trắc môi trường cho thấy kè Gành Hào đã bị sụt lún khá lớn. Khối đất đá, bệ đỡ, hàng cọc, độ giữa đất bị ảnh hưởng lớn.
Đặc biệt, bãi kè đã có những tác động nghiêm trọng. Đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam là dòng chảy có sự thay đổi tại bờ sông Gành Hào bởi nơi đây là cuối biển, đầu sông nên nước từ cửa sông chảy ra biển gặp phải gió mùa đông bắc thổi từ Bạc Liêu - Cà Mau tạo thành sóng lớn làm xoáy lở bờ sông thêm trầm trọng.
Đơn vị này đưa ra giải pháp hạn chế sóng là bảo vệ bờ kè được. Tuy nhiên, hiện khu vực này không còn rừng, không còn bãi bồi tự nhiên nên sóng biển cứ tiếp tục đánh vào.
Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng đưa ra khuyến cáo “Về lâu dài cần cân nhắc hiệu quả kinh tế, xã hội tại khu vực này bởi đầu tư khá lớn để bảo vệ kè có lợi hơn hay là di dân ra khỏi khu vực lợi hơn”.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu, người có nhiều năm gắn bó với kè, đê biển khẳng định: Các yếu tố môi trường, thời tiết, sóng, gió…đã được quan trắc, tính toán từ cách đây hơn 10 năm.
Các thông số kỹ thuật để áp dụng dựa trên cơ sở dữ liệu cũng đã khá lâu, nay có nhiều thay đổi nên cần phải tính toán khoa học, kỹ lưỡng. Nếu không, gia cố sẽ ảnh hưởng đến chân kè đã được thi công cách đây 11 năm.
Còn theo ông Dương Thành Trung- Chủ tịch UBND Bạc Liêu thì về lâu dài, các nhà khoa học xem có cách nào “dời” bãi cát chuyển dịch về hướng Gành Hào không bởi bãi cát này bồi về hướng Gành Hào thì sẽ đảm bảo lâu dài cho kè Gành Hào.