Người giữ vườn chè trên 200 tuổi
Hơn 1.000 gốc chè trên 200 năm tuổi là “cơ ngơi” mà tổ tiên để lại cho ông Nguyễn Ngọc Trí, 51 tuổi, ở thôn Mai Lộc 3, xã Cam Chính, thuộc xứ Cùa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Đây là vườn chè có một không hai và có tuổi đời lâu năm nhất ở tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Ngọc Trí chăm sóc vườn chè.
Dẫn chúng tôi ra vườn chè xanh mướt rộng gần 1ha, ngọn vươn thẳng lên trời từ 5 đến 7m, ông Trí cho hay, “vườn chè này đã trải qua 4 thế hệ, từ thời ông cố đến thời tôi bây giờ.
Nó có tuổi đời trên 200 tuổi, mỗi cây đường kính rộng từ 20-40cm, cây lớn nhất có chiều cao đến 7m. Tuy thời chiến tranh, bom đạn tàn phá hơn 50% nhưng vườn chè này tự phục hồi, tái sinh và phát triển xanh tốt.
Bởi đây là vật “cha truyền’ duy nhất của tổ tiên nên tôi vô cùng trân trọng và gia công gìn giữ”. Vừa nói ông Trí vừa đưa tay, chỉ từng gốc chề còn in dấu vết lỗi lõm do bom đạn chiến tranh cứa phải.
Có những gốc chè bị bom đạn cắt ngang, nhưng vết cắt đó lại mọc thêm nhiều chồi non, toả thành những khóm chè lớn.
Ông Trí cho biết thêm, thời gian qua, đã có rất nhiều người tìm đến tận vườn chè của ông hỏi mua với giá gần chục triệu đồng/ gốc nhưng dẫu nhiều lần họ cố công nài nỉ, nâng giá lên cao nhưng ông vẫn không đồng ý bán.
Bởi như ông nói, vườn chè là vật “cha truyền” của gia đình nên dù họ trả giá, nâng giá cao thế nào đi chăng nữa ông cũng không bán đi dẫu gia đình ông nhiều lúc túng bấn, thiếu thốn cái ăn, cái mặc.
Hiện nay, vườn chè cổ này là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình ông Trí. Trung bình mỗi năm ông thu hoạch được hai vụ chè chính, đó là vào tháng 4 và tháng 9.
Bởi là chè cổ nên tán lá rất rộng và cao, lúc thu hoạch lá ông phải dùng đến thang lớn để leo lên cắt. Những ngày trời mưa, không thu hoạch được, ông lại tranh thủ những ngày trời tận ráo để cắt chè và khi đó số chè thu hoạch được tăng lên gấp đôi, gấp ba, bù lại cho những ngày mưa.
Chè được cắt bán liên tục thì trong vòng một tháng sẽ thu hoạch xong. Mỗi ngày, ông Trí thu hoạch được 100 kg lá chè với giá bán trên thị trường là 5.000 đồng/kg. Vì khối lượng lá chè khá lớn nên khi thu hái xong, nhưng mối buôn trong vùng hay các huyện, tỉnh lân cận khác đến tận nơi để thu mua.
“Cây chè khi cắt nhánh xong sẽ lên chồi mới rất nhanh cho nên khi thu hoạch xong không cần phải bón phân, chỉ cần làm cỏ ở dưới gốc cây thật sạch. Cây chè cũng ít gặp sâu bệnh hại cây, lá nên rất hiếm khi tôi phun các loại thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, bởi những gốc chè cổ này có thân cứng, rễ bám rát sâu nên khả năng trụ vững trước mưa bão rất tốt”- ông Trí chia sẻ.
Ngoài những gốc chè cổ đang có, mỗi năm ông Trí còn trồng thêm vài trăm gốc chè mới, cây chè giống chủ yếu được ươm trồng từ hạt, sau 5 năm bắt đầu cho thu hoạch.
Trong số các loài cây sống trên vùng đất đỏ xứ Cùa, cây chè là loại cây có sức sống cao, ít bị sâu bệnh, chè có thể sống phân tán dưới bóng cây khác. Lá chè cho nước thơm ngon, đậm đà thường có màu xanh đậm và rất giòn, vò một nắm lá nghe tiếng lạo xạo.
Ngôi nhà của ông Trì cách vườn chè 2km nhưng hầu hết thời gian của ông là túc trực ở vườn chè cổ này. Không những vậy, ông còn xây một ngôi nhà nhỏ giữa vườn chè để tiện chăm sóc và bảo vệ cây.
Với ông Trí, vườn chè như một phần ruột thịt của mình bởi nó gắn bó với ông từ thủa ấu thơ đến bây giờ trên đầu đã hai thứ tóc. Mỗi lần xa vườn chè này ít ngày do có công chuyện, ông lại thấy nhớ vườn đến quay quắt.
Ông tâm niệm, vườn chè cổ này là mối dây kết nối giữa các thế hệ, là kỷ niệm, là dấu tích mà ông cha để lại cho mình và con cháu. Bởi thâm tâm tâm niệm như vậy nên ông Nguyễn Ngọc Trí không ngừng giữ gìn, bảo vệ và dặn dò con cháu bằng mọi cách phải lưu giữ vườn có những gốc chè với tuổi đời xuyên qua nhiều thế kỷ này.