Quan ngại môi trường từ nhiệt điện than

Lê Anh 06/03/2017 09:05

Theo quy hoạch đến 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện của cả nước. Nhiệt điện than có ưu thế là có thể huy động công suất lớn và không phụ thuộc vào địa điểm như thủy điện, thế nhưng lại gây ra những hệ quả môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nhà máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 1 Bình Thuận.

Cuối tuần qua, khi Bộ Công thương tổ chức Hội thảo công nghệ nhiệt điện than và môi trường tại TP HCM, các nhà hoạt động môi trường đã đưa ra những quan ngại rất nghiêm túc khi nhìn vào những con số báo cáo do Tổng cục Năng lượng đưa ra.

Chẳng hạn, khảo sát vào năm 2015, nhiệt điện than chiếm khoảng 30% trong cơ cấu điện cả nước nhưng quy hoạch đến 2020 thì nhiệt điện than chiếm đến 50% tổng sản lượng điện cả nước. Các giai đoạn tiếp theo nhu cầu sẽ tiếp tục tăng, với tỷ lệ lên đến 55% và 2030 là 53% trong tổng cơ cấu điện.

Nguyên nhân chính là do các nguồn năng lượng thuỷ điện đã khai thác hết, điện hạt nhân đã dừng xây dựng, vì vậy việc phát triển nhiệt điện than là xu hướng tất yếu.

Hiện nay đã có các cụm nhiệt điện than được xây dựng tại Vĩnh Tân (Bình Thuận), với các nhà máy điện từ Vĩnh Tân 1 đến Vĩnh Tân 4 (mở rộng); các nhà máy Sông Hậu 1, Long Phú 1, Long Phú 3, Long Phú 2,... tại khu vực Tây Nam Bộ.

Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam Trương Duy Nghĩa cho biết, sản xuất nhiệt điện than có lợi thế là giá thành thấp (khoảng 7 cent/KWh), có thể huy động công suất lớn và cũng không lệ thuộc địa điểm xây dựng như thủy điện, điện gió hay điện hạt nhân. Thời gian xây dựng một nhà máy nhiệt điện than cũng ngắn, chỉ khoảng 3 năm có thể đưa vào vận hành.

Tuy nhiên, chính PGS.TS Trương Duy Nghĩa cũng chỉ ra rằng, nhược điểm của nhiệt điện than là phải sử dụng một khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện, và đây chính là nguồn phát thải lớn chất thải ra môi trường, đặc biệt là chất thải ở thể rắn và thể khí.

Ước tính tác động trong suốt vòng đời của một nhà máy điện than (50 năm) có thể thải ra môi trường đến 150 triệu tấn CO2, 470.000 tấn metan, 7.800kg chì, 54.000 tấn Nox, 64.000 tấn Sox, 12.000 tấn bụi và tiêu tốn đến 420 triệu m3 nước, hầu hết từ các nguồn nước ngọt và thải đến 206 triệu m3 nước thải vào các dòng sông.

Điều đáng lo ngại là vì lợi nhuận, các nhà máy nhiệt điện than dễ để xảy ra tình trạng chọn không lắp đặt đầy đủ toàn bộ hệ thống thiết bị kiểm soát ô nhiễm.

Hiện nay công nghệ thu và giữ cacbon vẫn còn rất đắt đỏ và hầu như chưa được chứng thực rộng rãi. Do đó, các nguồn ô nhiểm độc hại vẫn phát thải vào không khí, dẫn đến tình trạng tử vong sớm và tăng tỉ lệ bệnh tật.

Khi xây dựng một nhà máy nhiệt điện than cũng tiêu tốn một khoản chi phí lớn cho hệ thống xử lý môi trường, cũng như các bãi chứa tro xỉ và khu làm mát có diện tích lớn.

Theo cảnh báo của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), nhiệt điện than là nguồn sản xuất điện gây ô nhiễm nhất hiện nay khi các nhà máy nhiệt điện than làm ô nhiễm không khí và nguồn nước đồng thời thải nhiều cacbon gây ô nhiễm hơn bất kỳ phương thức sản xuất điện nào khác.

Trong khi thiết bị kiểm soát ô nhiễm có thể làm giảm phát thải khí độc, chúng không thể loại trừ ô nhiễm hoàn toàn. Thay vào đó, chúng chuyển phần lớn chất gây ô nhiễm không khí thành chất thải dạng lỏng và rắn.

Các nhà hoạt động môi trường cũng nêu sự thật về công nghệ “than sạch” khi trong nhiều thập kỷ qua ngành công nghệ than đã sử dụng cụm từ “than sạch” để quảng bá công nghệ mới nhất của ngành này.

Trong đó, phát thải bụi là vấn đề rất đáng lo ngại khi các bụi siêu nhỏ (có kích thước nhỏ hơn 1/30 chiều ngang sợi tóc) làm tăng tỷ lệ đau tim, đột quỵ và nhiều bệnh về đường hô hấp.

Bộ lọc vải hay bộ lọc dạng túi thường được sử dụng để kiểm soát phát thải bụi, nhưng chi phí cho hệ thống kiểm soát này tiêu tốn rất lớn, với trung bình một nhà máy than 600 MW điển hình đã đầu tư một hệ thống lọc bụi khoảng 100 triệu USD. Nếu một trong hai túi lọc bị hỏng, lượng phát thải bụi có thể tăng lên đến 20 lần.

Việc kiểm soát càng chặt chẽ chừng nào thì các nguy hại đến môi sinh và chính sức khỏe của con người mới được tối giản và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Lê Anh