Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột hứa hẹn nhiều hấp dẫn
Sáng 6/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4.
Ban tổ chức lễ hội trả lời những câu hỏi của các nhà báo, phóng viên liên quan đến lễ hội năm 2017.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 có chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 13/3/2017 tại tỉnh Đắk Lắk, với các hoạt động chính: Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê, tổ chức từ ngày 8 đến 13/3, dự kiến có hơn 220 doanh nghiệp, với 735 gian hàng tham gia.
Lễ khai mạc lễ hội diễn ra vào lúc 20h ngày 10/3 tại Quảng trường thành phố Buôn Ma Thuột. Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 do Ban Chỉ đảo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức vào ngày 11/3, dự kiến có 500 đại biểu tham dự và tại hội nghị này, UBND các tỉnh Tây Nguyên sẽ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án của nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 83.937 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và chỉ đạo nghị Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4.
Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sỹ của các tỉnh Tây Nguyên và 4 đoàn nghệ thuật nước ngoài. Lễ bế mạc lễ hội với chủ đề “Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại”, sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 13/3, tại Quảng trường thành phố Buôn Ma Thuột.
Cũng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 còn có một số hoạt động khác, như Lễ hội đường phố; Hội thảo, hội nghị về chuyên ngành cà phê; Hội thi nhà nông đua tài; Lễ hội đua voi, đua thuyền độc mộc và thưởng thức cà phê miễn phí.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ hội lần này không chỉ là sự kiện đơn thuần quảng bá cho cà phê Buôn Ma Thuột mà qua đó sẽ mở rộng cơ hội hợp tác giao lưu đối với việc thúc đẩy đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. “Đây là điểm khác biệt mà chúng tôi cho rằng là lớn nhất”.
Cùng với đó, Ban tổ chức hướng tới mục tiêu chủ thể của lễ hội sẽ là người dân. Cụ thể, việc tổ chức hội thảo cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức hội chợ triển lãm liên quan đến ngành hàng cà phê sẽ thu hút được sự quan tâm thực sự từ người nông dân đến các nhà khoa học, đến người sản xuất kinh doanh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng tổ chức hội thảo phát triển nông nghiệp nhìn từ những nông dân tỷ phú. Tất cả những người nông dân có thu nhập từ 1 tỷ/ha sẽ có cơ hội thể hiện chính kiến cũng như tiếng nói của mình đối với việc đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp Tây Nguyên.
Đối với liên hoan văn hóa cồng chiêng tính đại chúng thể hiện rõ nhất là không chỉ có các đoàn nghệ nhân của 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia mà còn có nhiều đoàn khác của các tỉnh cùng tham gia...