Cây chuối và thị trường

Quốc Định - Đại Dương 07/03/2017 08:15

Câu chuyện tiêu thụ chuối ở Đồng Nai đang làm cho người nông dân dở khóc dở cười vì giá rớt giá thê thảm, thậm chí là không có người mua.

Trong hơn 1 tháng qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia “giải cứu” chuối cho bà con Đồng Nai. Tuy nhiên việc đó chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt.

Có thể nói Đồng Nai là thủ phủ của chuối vùng Đông Nam bộ, với diện tích chuối toàn tỉnh hiện nay vào khoảng 6.076 ha. Sản lượng hàng năm vào khoảng 240.000 tấn, hầu hết được tiêu thụ tại TP HCM dưới dạng trái tươi. Trong đó, huyện Trảng Bom với diện tích khoảng 1.728 ha. Năng suất bình quân khoảng 60-70 tấn/ha.

Khi giá chuối trên thị trường tăng cao trong năm 2016, nhiều nông dân đổ xô trồng chuối làm cho diện tích tăng không kiểm soát.

Theo ông Đoàn Xuân Trường, Phó Trưởng Phòng kinh tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai) thì hiện nay chuối ở địa phương này vẫn được trồng theo nông hộ và do nông dân tự trồng chứ chưa có tổ chức hay đơn vị nào đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm. Bởi lâu nay người dân vẫn bán qua thương lái, chính vì vậy mà khi thị trường biến động thì người trồng chuối không biết bấu víu vào đâu.

Còn tại Long An, theo ông Võ Quan Huy- Giám đốc công ty TNHH Huy Long An: Thị trường trái cây nhập khẩu của Nhật Bản chủ yếu là chuối, nhập khẩu trên 1,2 triệu tấn hàng năm. Trong đó, chuối nhập từ Philippines chiếm 82%, Nam Mỹ 14% còn lại là các thị trường khác. Mặc dù hiện nay, Philippines đang là quốc gia đứng đầu về lượng chuối nhập khẩu của Nhật với thị phần lên đến 82%, nhưng trái chuối Việt đang tràn trề cơ hội xuất khẩu vào Nhật Bản. Như vậy, theo ông Huy, nếu chuối tiêu thụ trong nước khó khăn thì phải tìm cách xuất ra nước ngoài, không thể chờ đợi.

Tương tự, ông Lê Sỹ Công- Giám đốc công ty TNHH Laba Đà Lạt cho biết trong khi nông dân trồng chuối thường lâm cảnh bấp bênh do thị trường thì công ty của ông lại không đủ hàng để xuất khẩu. Theo ông Công, chưa bao giờ cơ hội xuất khẩu của trái chuối Việt Nam lại rộng mở như hiện nay. Ngoài Nhật Bản, thị trường các nước Anh, Nga, Ukraine... cũng rất rộng mở. Tuy nhiên, vẫn theo ông Công, để trái chuối Việt xuất khẩu được thì phải xây dựng được vùng chuyên canh ổn định, canh tác theo một quy trình sạch, khép kín. “Một trang trại chuối đơn giản cũng lên đến 100ha. Với quỹ đất rộng như thế, mới có thể đầu tư nhà máy đóng gói, đường cáp tải vận chuyển, cáp chống ngã đổ”- theo ông Công.

Như vậy, để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chuối, nông dân phải liên kết lại thành lập hợp tác xã, hoặc doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối để nông dân sản xuất theo quy trình và yêu cầu của nhà nhập khẩu, từ đó bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Có như vậy thì tình trạng “cứu chuối” mới không tái diễn.

Quốc Định - Đại Dương