Thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm: Quy về một đầu mối
Ngày 6/3, tại TP HCM, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 tại khu vực phía Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì Hội thảo. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.
Việc kiểm tra an toàn thực phẩm cần phải làm thường xuyên, liên tục. (Ảnh: T.L).
“Rùng mình” vì thực phẩm bẩn
Trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển chia sẻ, mới đây trong quá trình đoàn giám sát thực hiện lấy mẫu giết mổ trâu bò ở khu vực phía Nam, thấy trong số hơn 1.600 con thì riêng TP.HCM phát hiện hơn 1.000 con được nuôi bằng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc,...“Có những lò giết mổ mà phải nói sau khi đi giám sát thì chúng tôi thấy đó phải gọi là “lò sát sinh” mới đúng, và khi về thì nhiều thành viên trong đoàn không dám ăn thịt nữa”- ông Hiển nói.
Bà Nguyễn Thị Thu- Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, tính trong giai đoạn 2011-2016 thì thành phố đã thành lập đến hơn 2.000 đoàn thanh, kiểm tra và phát hiện tịch thu, tiêu hủy đến trên 23.000 tấn hàng hóa thực phẩm bẩn. Theo bà Thu, đặc thù của TP HCM là nơi thị trường tiêu thụ lớn với ngót nghét 10 triệu người nên nguồn hàng hóa thực phẩm được đưa từ các tỉnh, thành về rất lớn mỗi ngày. Thời gian qua, sở dĩ vấn đề quản lý, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố còn chưa hiệu quả cũng một phần chưa sâu sát vào khía cạnh này.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong năm 2016 riêng Bộ này đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, phạt hành chính trên 100 tỷ đồng. Đó là những con số rất đáng suy ngẫm, kể cả đối với các thương hiệu lớn cũng vi phạm. Mỗi năm, số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm cũng đã tăng lên rất đáng lo ngại. Cụ thể số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% (2015) lên 23,4% (2016); tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% (2015) lên 67% (2016). Đáng lưu ý là ngay cả chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm hàng năm hiện không có nguồn kinh phí độc lập, cũng không đủ nguồn lực con người để triển khai các hoạt động mang tính dài hạn.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, đã phạt đến hơn 8.000 cơ sở không đảm bảo, cảnh cáo gần 18.500 cơ sở về an toàn thực phẩm. Dù các địa phương phát hiện nhiều vi phạm nhưng thực tế cho thấy xử phạt còn ít, mức phạt trung bình trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm chỉ từ 1 triệu đồng (2011) nhích lên được 4 triệu (2016), dẫn đến không đủ sức răn đe, nhiều cơ sở tái phạm hoặc không khắc phục, sửa chữa, nâng cấp điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thịt động vật không rõ nguồn gốc xuất sứ được tuồn vào qua
nhiều phương tiện để vào TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).
Bàn cách “chặn” thực phẩm bẩn
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị cho thành lập một cơ quan từ Trung ương đến địa phương để quản lý thực phẩm bẩn, chứ không thể chờ phối hợp giữa các Bộ ngành sẽ rất chậm và cũng chồng chéo, không xử lý được triệt để.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lý giải, tại sao phải quy về một mối quản lý tập trung về an toàn thực phẩm là bởi vì trên thực tế có những nơi dù có đủ kinh phí, đủ con người, nhưng khi hỏi ngay cả Chi cục trưởng Chi cục Thú ý mà cũng không biết được cơ sở giết mổ đó đã tồn tại cả 3 năm rồi. “Có nơi chính quyền xã bảo biết hết, nhưng không dám làm vì lo sợ sau này về hưu không biết sống với ai (!?). Đó là những vấn đề hết sức cụ thể, bức xúc mà chúng tôi muốn được các địa phương mạnh dạn đề xuất giải pháp…”- ông Hiển nêu dẫn chứng.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện đề án về xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm. Đối với vấn đề thực phẩm chức năng, đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận đang có nhiều vi phạm, chẳng hạn sản xuất giả, sản xuất tại nơi không đảm bảo vệ sinh, hàng nhái nhãn mác, cũng như có dấu hiệu kinh doanh đa cấp nhưng không có đăng ký kinh doanh… Tuy nhiên, quan điểm của Bộ này là dứt khoát khi phát hiện các cơ sở vi phạm thì ngoài xử phạt hành chính sẽ công bố công khai trên website để làm gương.
Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhìn nhận, thực tế công tác kiểm soát an toàn thực phẩm ở các cơ sở nhỏ lẻ, nông hộ hiện nay còn yếu kém. Việc thanh tra chuyên ngành ở các xã phường hiện nay là hầu như không có, khiến cho các tỉnh dù đã có quy hoạch nhưng vẫn tồn tại các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật An toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ, Đề án quản lý mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm của thành phố. Đề án này xuất phát từ thực tế các nguồn thực phẩm vào thành phố hiện nay đa số là có xuất xứ từ các tỉnh thành đưa tới. Nếu quản lý tốt được ngay từ khâu “đầu vào” này thì thành phố sẽ kiểm soát được đến 70-80% các nguồn cung cấp thực phẩm vào thành phố.
Theo bà Thu, cho đến nay thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho hơn 40 cơ sở từ các tỉnh đưa thực phẩm vào TP.HCM, với tổng sản phẩm hơn 202 triệu quả trứng gà/năm, 4,4 triệu tấn nước mắm/năm… TP HCM cũng có ký kết với 15 tỉnh về cung cấp nguồn thủy sản để đảm bảo kiểm soát nguồn cung cấp thủy sản vào thành phố.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, mô hình của TP HCM lập một đơn vị quản lý kiểm soát chức năng an toàn thực phẩm của cả 3 Sở NN&PTNT, Sở Y tế và Sở Công thương TP sẽ là mô hình được Trung ương nghiên cứu kỹ trước bối cảnh có nhiều lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay.