Xem xét lại quy định về đánh giá, xử lý cán bộ
“Tinh giản biên chế vẫn còn chậm, nhiều nơi nhiệm vụ còn chồng chéo”- đó là nhận định chung được Đoàn giám sát của Quốc hội nhìn nhận qua bước đầu tiến hành làm việc với một số Bộ, ngành thông qua việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Lãnh đạo một số đơn vị chưa coi trọng cải cách tổ chức bộ máy
Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Tính đến thời điểm 31/12/2016, biên chế thực hiện của Ngân hàng Nhà nước là 5314 người, thấp hơn 273 chỉ tiêu so với biên chế Ngân hàng Nhà nước đã giao cho các đơn vị và thấp hơn 358 chỉ tiêu so với biên chế Bộ Nội vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Tú, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Ngân hàng Nhà nước còn chưa hiệu quả, thể hiện ở số trường hợp được tinh giản thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do một số công chức, viên chức và người lao động mong muốn được thực hiện chính sách tinh giản biên chế nhưng không thuộc đối tượng tinh giản biên chế; mức hỗ trợ đối với các đối tượng tinh giản biên chế chưa đủ hấp dẫn để công chức, viên chức và người lao động tự nguyện đề nghị được thực hiện tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, những đánh giá này còn khá chung chung, thiếu phần so sánh, đánh giá về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo các mốc thời gian cụ thể, chưa nêu được một cách cụ thể những vấn đề còn vướng mắc, hạn chế nhất là về phía chủ quan của ngành. Trong đó các báo cáo chưa làm rõ việc tổ chức lại bộ máy Ngân hàng Nhà nước theo định hướng trên đã được thực hiện ra sao?. “Trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể hiện rõ sự phân tách giữa bộ máy điều hành và các đơn vị hoạt động nghiệp vụ, vẫn đồng nhất về cơ chế quản lý giữa các vụ tham mưu, tổng hợp với Sở giao dịch, các chi nhánh giao dịch”-Đoàn giám sát của Quốc hội nhìn nhận.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Tính đến 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Tài chính đề nghị tinh giản 562 trường hợp, trong đó Bộ Nội vụ đã phê duyệt được 357/562 trường hợp (đạt 63,5%). Lý giải về việc tinh giản biên chế vẫn còn chậm so với kế hoạch, Bộ Tài chính cho rằng, một số nhiệm vụ về quản lý ngân sách còn có sự phân khúc, ngắt quãng như quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính và các Bộ/ cơ quan có liên quan về quản lý tài chính trong lĩnh vực đất đai, quản lý nợ khu vực công.
Trong khi đó, lý giải về việc tinh giản biên chế tại Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn còn chậm, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa việc thực hiện đề án tinh giản biên chế của một số đơn vị chưa đúng đề xuất, cơ cấu tổ chức của một số đơn vị chưa thực sự tinh gọn là do lãnh đạo một số đơn vị chưa coi cải cách tổ chức bộ máy hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, có tính chất then chốt; chưa phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến công tác của đơn vị.
Sớm quy định cứng về số lượng biên chế, vị trí việc làm
Nhằm thực hiện tốt cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị, cần sớm ban hành bộ tiêu chí quy định về điều kiện thành lập, giải thể tổ chức hành chính. Trong đó có những tiêu chí quy định cứng về số lượng biên chế, vị trí việc làm nhất định để thành lập mới đơn vị. Đồng thời, đề nghị tiếp tục định hướng tổ chức bộ máy các cơ quan của Chính phủ theo mô hình Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Đồng thời điều chỉnh một số chức năng nhiệm vụ liên quan đến quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ công đang giao cho các Bộ khác thực hiện chuyển về Bộ Tài chính nhằm hạn chế chồng chéo và bảo đảm mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một Bộ chịu trách nhiệm chính.
Cho rằng, việc phân bổ chỉ tiêu biên chế công chức cho các đơn vị của Bộ từ năm 2011-2017 “không có sự biến động đáng kể”, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính làm rõ thêm chủ trương cải cách hành chính về tổ chức bộ máy của Bộ; Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ phận cấu thành tổ chức bên trong Bộ với địa phương; hiệu quả việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với sử dụng công nghệ thông tin góp phần tinh giản biên chế.
Trong khi đó, ở góc độ “tư lệnh ngành”, đưa ra giải pháp để tinh giản biên chế nhanh hơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị, thời gian tới cần xem xét lại quy định về đánh giá, xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ; xem xét phân bổ các nguồn lực đầu tư hàng năm không nên chỉ dựa vào số lượng công chức, viên chức mà dựa vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện trong năm đó; phân cấp quản lý nguồn lực từ trung ương đến địa phương bởi quy trình hiện nay còn phức tạp chưa rõ trách nhiệm của người chỉ đạo chuyên môn với người sử dụng nguồn lực.