Kiểm soát thực phẩm bẩn

Việt Thắng 08/03/2017 07:00

“Chúng tôi sẽ chặn được thực phẩm bẩn” là cam kết đầy trách nhiệm được PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đưa ra trong ngày đầu tiên Ban này đi vào hoạt động, cùng với ngày Đoàn Giám sát của Quốc hội tổ chức hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 tại khu vực phía Nam.

Một lời hứa đến từ một vị ĐBQH do dân bầu và chịu sự giám sát của nhân dân; một lời hứa của tân Trưởng ban với kinh nghiệm làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực dược cùng với một chiến dịch hành động cụ thể đến từng khâu, từng chi tiết trong thời gian tới có thể trấn an nỗi lo của người dân bao lâu nay.

Trước ngưỡng an toàn thực phẩm đã đến “giới hạn đỏ”, hay như lời nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh từng đề cập đến trong một lần chất vấn: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”. Nỗi lo hiện hữu từ con tôm, con cá, mớ rau không chỉ là vấn đề “cụ thể” trên nghị trường Quốc hội bàn chuyện quốc kế dân sinh mà còn là nỗi lo của mỗi gia đình, toàn xã hội trong bối cảnh “vừa ăn vừa lo” đang thường trực hàng ngày khi không ăn cũng chết mà ăn thì lo ngay ngáy.

Và gần đây vụ ngộ độc thực phẩm làm 9 người chết ở Lai Châu như một “báo động đỏ về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Căng đến mức, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phải dùng đến từ “chết người thì có nghiêm trọng không? Xử lý đã đủ độ để đưa tất cả vi phạm đó vào xử lý nghiêm minh chưa?” trước sự có mặt của tư lệnh của 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương.

Như vậy là, có tới 3 bộ chung tay “lo một mâm cơm của dân”. Nhưng không biết ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra? Dẫu rằng trước khi có Luật An toàn thực phẩm hiện hành năm 2010, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung về an toàn thực phẩm, nhưng Bộ này chỉ chịu trách nhiệm khi mớ rau, con cá đã thành miếng ăn, thành “thực phẩm”.

Còn khi đang ở dạng nguyên liệu thì mớ rau, hay con cá là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn đã là sản phẩm chế biến thì lại là nhiệm vụ của Bộ Công thương. Việc chia cắt nhiệm vụ cho 3 bộ ngành theo phương pháp cắt ngang đã bộc lộ nhược điểm trong việc phối hợp và trách nhiệm xử lý. Thực tế không ít vụ việc ngành nọ “đá” ngành kia như năm 2016 Vụ Quản lý thị trường, Bộ Công thương thu giữ xúc xích, nhưng ngành Y tế lại nói sản phẩm đó hoàn toàn đủ điều kiện lưu hành là minh chứng nhãn tiền.

Đằng sau những con số thực tế được công bố là cả một loạt vấn đề đáng suy ngẫm. Có tới 30.000 đoàn thanh, kiểm tra trên 3 triệu cơ sở sản xuất trong khi chỉ xử phạt được 20%, tính ra mỗi cuộc chỉ phạt được 200.000 đồng (ít hơn cả xử phạt giao thông). Có tỉnh 1 năm kiểm tra, thanh tra 1.000 cơ sở nhưng chỉ xử phạt được 2 cơ sở. Vi phạm đã rất nghiêm trọng song hầu như không có vụ nào xử lý hình sự trong bối cảnh từ năm 2011 đến tháng 10-2016 toàn quốc có 1.007 vụ ngộ độc với 25.617 người đi viện và 164 người chết.

“Có nơi chính quyền xã bảo biết hết, nhưng không dám làm vì lo sợ sau này về hưu không biết sống với ai? Đó là những vấn đề hết sức cụ thể, bức xúc mà chúng tôi muốn được các địa phương mạnh dạn đề xuất giải pháp”- là lời được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc đến tại Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 tại khu vực phía Nam diễn ra ngày 6-3 cũng là việc đáng suy ngẫm.

Một “hàng rào” ngăn chặn thực phẩm bẩn hoàn toàn bị “tê liệt” do đạo đức công vụ, do ý thức trách nhiệm của cán bộ làm chức năng quản lý nhà nước. Một sự thờ ơ, vô cảm của một số lãnh đạo địa phương lo thành tích “ảnh hưởng đến uy tín địa phương” mà quên đi trách nhiệm của mình với cộng đồng. Mà có thể một mai chính người thân, con cháu của họ phải hứng chịu khi đang bị “ngấm dần dần”.

Vệ sinh an toàn thực phẩm được gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng khó có thể chấp nhận một người bán ruốc với giá 120.000đ/kg. Trong cân ruốc ấy có 2/3 là bột. Chuyện này cả xã biết nhưng khi hỏi lãnh đạo chính quyền thì lại nói là không biết? Vậy trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu vẫn đang là một dấu hỏi lớn khi thực tế chưa vị chủ tịch, xã phường bị kiểm điểm, nêu tên vì địa phương mất an toàn thực phẩm, chứ chưa nói gì đến hai chữ “trách nhiệm”?

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan đã đưa ra một chiến dịch cụ thể đến từng khâu, từng chi tiết trong thời gian tới: Từ việc xây dựng các quy chuẩn còn thiếu, chuẩn hóa cấp phép; liên thông các phòng thí nghiệm và kiểm soát dữ liệu; thiết lập hệ thống đội thanh tra an toàn thực phẩm các quận, huyện; tăng cường công tác thông tin truyền thông giáo dục; tiếp tục xây chuỗi thực phẩm sạch và truy xuất nguồn gốc thực phẩm hy vọng sẽ đem lại những kết quả khả quan khi đã “nhận diện” được: “Nguy cơ lớn nhất chính là thực phẩm bẩn từ nguồn cung cấp với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, việc cho thêm các chất cấm, chất phụ gia công nghiệp, hóa chất độc hại vào thực phẩm”.

Bệnh cơ bản đã được bắt, vấn đề còn lại chính là phác đồ điều trị chữa bệnh. Nếu quản lý tốt được ngay từ khâu “đầu vào”, sẽ kiểm soát được đến 70-80% các nguồn cung cấp thực phẩm. Niềm tin được đặt ra khi thoát khỏi tình trạng “cha chung”, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh có đủ điều kiện để thanh tra, giám sát, kiểm soát từ “A-Z” tất cả mặt hàng là thực phẩm, thay vì phải đợi sự tham gia của các ngành cùng chức năng như mô hình trước đây.

Nhưng nói như vậy không phải vì thế mà mô hình này không có thách thức khi có tới 80% nguồn nông sản đến từ các địa phương khác. Mà ở đây “gốc” nằm ở việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Khó có thể khả thi nếu không có sự tham gia của một chuỗi quy trình sản xuất, mà trong đó vai trò của hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, sản xuất theo chuỗi an toàn đang được đặt ra.

Đây được coi là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp như Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã “bắt bệnh”. Chưa bao giờ như bây giờ mô hình này rất cần được các địa phương triển khai, nhân rộng. Chỉ khi kiểm soát được “gốc”, mới biết được “ngọn”.

Sự trăn trở, lo âu của người đứng đầu Mặt trận; một lời hứa đến từ một ĐBQH chịu sự giám sát của nhân dân đã được đưa ra, và nhân dân đang giám sát lời hứa ấy. Nhưng chỉ khi nào sự vào cuộc hành động mạnh mẽ từ phía các bộ, ngành, người đứng đầu chính quyền địa phương thì “chiếc đèn an toàn thực phẩm” mới chuyển từ đỏ sang vàng, mà hướng tới là xanh- một nền nông nghiệp hiện đại theo hướng xanh, sạch mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

Việt Thắng