Cảnh báo hàng nhập

Duy Khang 08/03/2017 10:30

Dù còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng các giải pháp hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. 2 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt trên 27 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2016 cũng như với nhiều năm trở lại đây. Tuy có nhiều dấu hiệu tích cực, song ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu một số mặt

Ôtô đắt tiền vẫn tiếp tục được nhập về. Ảnh minh họa.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi 153 triệu USD để nhập khẩu gần 9.500 xe ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ (tăng 139,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Tương tự, một mặt hàng xa xỉ khác là điện thoại di động cũng đã tăng 129% so với cùng kỳ của năm 2016. Chỉ riêng việc nhập khẩu 2 mặt hàng này đã đẩy con số nhập siêu của cả nước trong tháng 1 và 2 lên 46 triệu USD.

Những diễn biến nói trên cho thấy, bên cạnh những con số tích cực của xuất khẩu, thì việc chúng ta đang nhập một lượng không nhỏ các mặt hàng xa xỉ cũng là một điểm đáng báo động. Và theo đánh giá của Bộ Công thương, việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng như ô tô dưới 9 chỗ ngồi, điện thoại di động… có thể gây tác động chung lên cán cân thương mại trong thời gian tới.

Điều đáng nói, trong khi nền kinh tế còn đang khó khăn, nhiều DN đang từng ngày từng giờ đối diện với nguy cơ phá sản, bà con nông dân phải gồng mình chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… thì ở dòng chảy khác, người ta lại chứng kiến hàng triệu USD chảy vào điện thoại, ô tô… những mặt hàng vốn được cho là thuộc về giới “đại gia”. Liệu các nhà quản lý có vui không khi song song với con số xuất khẩu lúa gạo, là một con số nhập khẩu các món hàng xa xỉ có giá trị tương đương?

Ở phương diện khác, con số thống kê của cơ quan chức năng cho hay, có đến 90% người tiêu dùng trong nước khi được hỏi đã khẳng định rằng chỉ tin và sử dụng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đưa con số này so sánh với số lượng hàng xa xỉ nhập khẩu lên tới hàng chục triệu USD kể trên, thì hẳn là một sự đối nghịch, cũng cho thấy, tư tưởng “sính ngoại” vẫn đang còn tồn tại trong một bộ phận dân cư.

Đành rằng, người tiêu dùng thu nhập cao họ có quyền mua và sử dụng những thứ hàng xa xỉ, đắt tiền. Và đành rằng, các mặt hàng mà Việt Nam chưa thể sản xuất và đáp ứng được thì việc nhập khẩu cũng là điều khó tránh. Song thực tế, nền kinh tế đang nhập khẩu ồ ạt những loại mặt hàng đắt tiền, những loại xe siêu sang, điện thoại di động “sành điệu”… cho dù tất cả những mặt hàng nằm trong danh mục “hạn chế nhập”, thậm chí là đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, thì thực sự đây là điều cần phải xem lại.

Không phải nhà quản lý không biết điều này. Trên thực tế, vấn đề “hạn chế nhập siêu” đã luôn được quan tâm trong nhiều năm qua. Việt Nam từ lâu đã đưa ra các hàng rào thuế quan, rào cản thương mại để kiểm soát nhập siêu. Thậm chí Bộ Công thương đã ban hành hẳn một danh mục các mặt hàng hóa hạn chế nhập khẩu. Thế nhưng, dường như tất cả các biện pháp hành chính vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Nhìn thấy những nguy cơ của việc nhập siêu cao trở lại, đặc biệt là đối với việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như ô tô, Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo. Theo đó, Thủ tướng lưu ý, bên cạnh việc không dừng thực hiện Quyết định 49 của Thủ tướng về tiêu chuẩn khí thải của ô tô, việc số lượng xe nhập khẩu tăng mạnh trong 2 tháng đầu 2017 khi Việt Nam thực hiện giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình hội nhập ASEAN là tín hiệu cảnh báo việc tăng cường quản lý để hài hòa nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Tiếp theo những cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Công thương cũng đã có những động thái để làm sao hạn chế nguy cơ nhập siêu cao các mặt hàng trong danh mục “hạn chế nhập”. Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ này cũng đã đề xuất những giải pháp quản lý kịp thời đối với một số mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến như điện thoại di động, ôtô dưới 9 chỗ, đá quý-kim loại…

Còn nhớ, thời điểm năm 2011, 2012, nền kinh tế bỗng dưng cũng “đón” hàng loạt các mặt hàng xa xỉ ồ ạt tràn vào trong nước, khiến cho các cấp, các ngành tức tốc phải đưa ra những rào cản tức thời để hạn chế nhập siêu. Và ở thời điểm hiện tại, thực trạng này lại đang hiện hữu. Nhiều ý kiến cho rằng, để người tiêu dùng “sính ngoại” thay đổi tâm lý “xài sang” sẽ cần phải có thêm thời gian.

Vấn đề cấp bách nhất hiện nay, ngoài việc đưa ra các biện pháp hành chính, thì một công cụ rất cần thiết đó là nhà quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn chính sách tiền tệ, đặc biệt là vấn đề chi tiêu công. Bởi ai cũng biết, chỉ có “xài tiền chùa”, người ta mới sẵn sàng bỏ ra một lượng tiền lớn để có thể sở hữu cho mình những món đồ xa xỉ, đắt tiền.

Duy Khang