Tuyển sinh THPT công lập ở Hà Nội: Vẫn căng thẳng
Năm học 2017-2018 dự kiến có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 em, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 em, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 em. Như vậy, sẽ chỉ có khoảng 70% học sinh Hà Nội có cơ hội học lớp 10 trường THPT công lập. Cuộc đua vào các trường công lập vì thế vẫn khá căng thẳng.
Ảnh minh họa.
Giống như năm học trước, dự kiến năm 2017-2018 sẽ chỉ có gần 70% học sinh Hà Nội có cơ hội học lớp 10 tại trường THPT công lập.
Khó hơn thi ĐH
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học này dự kiến có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 em, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 em, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 em.
Như vậy, sẽ chỉ có khoảng 70% học sinh Hà Nội có cơ hội học lớp 10 trường THPT công lập. Sẽ có khoảng 7.000 học sinh được tuyển vào trung tâm GDTX và hơn 6.400 học sinh được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp.
Theo phương án tuyển sinh lớp 10 đã được công bố, đối với lớp 10 THPT không chuyên, tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả trường THPT với 2 môn thi Ngữ văn và Toán theo hình thức tự luận vào ngày 9/6.
Điểm xét tuyển là tổng của điểm THCS, điểm thi (đã tính hệ số 2) và điểm cộng thêm. Trong đó, điểm THCS tính theo kết quả rèn luyện và học tập của HS ở bậc THCS. Điểm cộng thêm là tổng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Chị Lan Anh (Khu đô thị mới Tứ Hiệp, Thanh Trì) có con đang học lớp 9 trường THCS Thị trấn Văn Điển cho biết, ngay từ năm học lớp 8, trong gia đình đã có những trao đổi, bàn bạc để xem với lực học của con thì nên thi vào trường cấp 3 nào phù hợp nhất.
Tuy nhiên, cả hai trường THPT trên địa bàn huyện Thanh Trì gia đình đều không ưng lắm vì muốn con theo học khối chuyên Toán để phát huy sở trường trong môn học này. Các thầy cô giáo dạy con cũng gợi ý gia đình có thể cân nhắc các trường cấp 3 thuộc hệ thống trường ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội)... nhưng địa điểm đều khá xa nhà.
Hơn nữa, với tỷ lệ chọi còn khó hơn vào ĐH như thực tế các năm qua thì nếu không học chuyên Toán từ cấp 2, gia đình lo lắng không biết con có thể đỗ được không và nếu đỗ rồi có khả năng theo học hay không?
“Môn Văn của cháu không được nổi trội như Toán nên gia đình cũng không đặt áp lực phải học trường Top 1, top 2 nào. Quan trọng là cháu lượng được đúng sức mình để đăng ký trường phù hợp, chăm chỉ học tập là chúng tôi vui rồi”- chị Lan Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo phân tích của một giáo viên, muốn vào được các trường THPT “top” đầu của Hà Nội, học sinh phải đạt ít nhất 8 điểm/môn trở lên trong kỳ thi tuyển sinh và không có năm nào ở cấp THCS xếp loại học sinh khá trở xuống. Với những điều kiện khắt khe như thế, ngay cả khi đã đạt được thì những em học sinh đang học lớp 9 còn phải phấn đấu trở thành học sinh giỏi để tính điểm xét tuyển, thi nghề đạt loại tốt để được cộng điểm…
Ảnh minh họa. Nguồn: Giadinh.net.vn.
Giảm học sinh trái tuyến
Năm học 2017-2018, Hà Nội dự kiến tuyển 105.000 trẻ vào lớp nhà trẻ, 452.000 học sinh vào lớp mẫu giáo, 145.000 học sinh vào lớp 1 và 109.300 học sinh vào lớp 6.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay năm học này tiếp tục thực hiện chủ trương “3 tăng, 3 giảm”, đó là tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; “3 giảm” gồm giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn, đồng thời sẽ phân tuyến hợp lý, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh.
Với kinh nghiệm làm tuyển sinh đầu cấp trực tuyến của năm học trước, năm nay Hà Nội tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến áp dụng ở hầu hết quận, huyện của TP.
Phương thức tuyển sinh vẫn là xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Điều này sẽ làm giảm thời gian đi lại làm thủ tục tuyển sinh, cũng như hạn chế tình trạng trái tuyến vì hoàn toàn kiểm soát được trên phần mềm dùng chung trên toàn hệ thống.
Bởi vì mỗi một học sinh sẽ được cấp một mã số, mã số này theo đúng hộ khẩu nơi mà học sinh đang sinh sống nên không thể có chuyện một học sinh nộp vào nhiều trường hoặc nộp trái tuyển sẽ hiển thị ngay.
Việc tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến từ ngày 15 đến 30-6; tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp từ ngày 1 đến 15-7 dành cho mầm non 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6.
Hà Nội khảo sát học sinh lớp 12 Vào ngày 20, 21, 22/3, Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát toàn bộ học sinh lớp 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Trong đợt khảo sát này, Hà Nội sẽ chia thành 16 cụm thi, gồm các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Ông Chử Xuân Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát sẽ có phân tích, đánh giá số liệu gửi về các trường, là kênh thông tin để các trường, cha mẹ học sinh, thầy cô giáo thấy được chất lượng đào tạo thực chất. Với cách tổ chức thi, các bài thi theo đúng như kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, đợt khảo sát nhằm để tập dượt kỹ năng, đặc biệt chuẩn bị tâm lý thi cho học sinh. |