Đối phó với cúm A/H7N9

Nghĩa Toàn 08/03/2017 08:00

Ngày 6/3 vừa qua, Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình Quảng Tây (Trung Quốc) vừa phát hiện thêm 2 ca lây nhiễm virus H7N9 trên người ở thành phố Bách Sắc và Ngô Châu.

Điều đáng nói là thành phố Bách Sắc giáp với 2 tỉnh Cao Bằng và Hà Giang của Việt Nam. Có nghĩa là dịch cúm đã tiến tới rất gần nước ta.

Ngoài ra tại các tỉnh sát biên giới Việt Nam như Giang Tây, Vân Nam và Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đã ghi nhận các ổ dịch. Còn ở Quảng Tây, với 2 ca lây nhiễm vừa phát hiện, đã nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại địa phương này trong năm nay lên 8 trường hợp.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 10/2016 đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận gần 500 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9.

Thông báo ngày 6/3 vừa qua của Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình Quảng Tây là phát hiện mới nhất về số ca lây nhiễm virus H7N9 trên người.

Việt Nam là quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Mặc dù đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ dịch bệnh vào nước ta rất cao.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao hơn, để có thái độ ứng xử phù hợp.

Theo đó, có thể áp dụng trở lại tờ khai y tế tại cửa khẩu, nhất là với những khách đến từ Trung Quốc. Công tác giám sát và diễn tập cũng được đề nghị tăng cường tại các địa phương.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chỉ đạo các bệnh viện từ Trung ương đến tỉnh, huyện sẵn sàng nhân lực và vật tư để tiếp nhận người bệnh nếu dịch xảy ra, đồng thời có phương án đối phó với mọi tình huống.

Virus H7N9 được phát hiện từ năm 2013 và là loại virus rất nguy hiểm. Virus H7N9 thường xuất hiện ở gà và không gây ra các biểu hiện ở vật chủ, do đó không làm chết vật chủ.

Chính đặc tính này đã khiến virus H7N9 khó phát hiện hơn so với chủng virus H5N1. WHO cảnh báo virus H7N9 dễ lây truyền từ gia cầm sang người hơn virus H5N1.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh do cúm A/H5N1 và A/H7N9 ở người thường rất nặng, tỷ lệ tử vong có thể tới 50%. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 tương tự như bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1, với các tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh và dễ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nghĩa Toàn