FDI chưa như kỳ vọng
Thống kê tính đến ngày 20/2, các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2017 có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, Singapore đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 881,6 triệu USD, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 721,7 triệu USD, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp đó là Hàn Quốc, Nhật Bản...
Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: Trong năm 2016 có 549 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt trên 2,1 tỉ USD.
Tuy lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục gia tăng, nhưng các chuyên gia kinh tế lưu ý, con số cam kết rót vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể nâng đến hàng chục tỷ USD song đó là những con số ảo. Bằng chứng trong 5 năm trở lại đây cho thấy số vốn FDI thực tế chỉ tầm từ 12 đến 15 tỷ USD.
Ông Trần Toàn Thắng - Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, trong việc rót vốn đầu tư vào Asean, Việt Nam không phải là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Giới đầu tư Nhật nhận thấy những rủi ro tại thị trường Việt Nam. Đó là chi phí nhân công tăng cao, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật không rõ ràng, thủ tục hành chính phức tạp, tỷ lệ cung ứng nội địa thấp...
Tương tự, vốn đầu tư từ Hàn Quốc cũng không cao. Vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam chỉ nổi bật nhờ dự án đầu tư đình đám của Samsung. Còn những dự án lớn khác hoàn toàn vắng bóng.
Vốn ngoại vào không cao, lại đang đi lệch hướng so với mục tiêu đề ra của Việt Nam. Quan điểm thu hút vốn FDI trước đây của Việt Nam là đổi môi trường lấy công nghệ. Thế nhưng, công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài chưa chuyển giao nhiều cho doanh nghiệp nước thì các nhà đầu tư này dịch chuyển đầu tư sang lĩnh vực khác.
Theo đó, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2016 đã có sự thay đổi về ngành nghề đầu tư. Nghĩa là giảm các dự án đầu tư vào khối chế tạo, tăng số dự án đầu tư vào các ngành khách sạn, ăn uống.
Để hấp thụ thực chất nguồn vốn FDI, giới chuyên gia khuyến nghị, cần cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút vốn đầu tư chất lượng cao.
Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI hợp lý và sẽ xác định một cách chính xác đối tượng ưu đãi tương ứng với số vốn đầu tư.