TP Hồ Chí Minh: Đưa ‘công nghiệp không khói’ thành ngành mũi nhọn

Thành Luân 08/03/2017 14:15

Ngày 8/3, Thành ủy TP HCM tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 1 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị số 07 –CT/TU ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ phát triển ngành du lịch TP HCM đến năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM – Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị.

Lãnh đạo TP HCM đánh giá, với mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến thành phố duy trì ở mức 8,2%/năm, chiếm khoảng 56,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam thì không có cớ gì TP HCM lại không tận dụng được cơ hội đưa ngành này trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu của đô thị lớn nhất nước.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ thu hút đông đảo du khách đến với TP HCM mỗi năm.
(Ảnh: Hồng Phúc).

Phải có đột phá

Tại hội nghị, ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thành ủy TP HCM ngậm ngùi nhìn cách làm du lịch của Thái Lan hàng năm thu hút hơn 30 triệu du khách quốc tế, còn Việt Nam chỉ vào khoảng hơn 10 triệu khách, dù là đất nước nhiệt đới có nhiều loại hình du lịch lý thú không thua kém Thái Lan. Mục tiêu của ngành du lịch cả nước muốn nâng mục tiêu đón 17 – 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 82 triệu lượt khách du lịch nội địa vào năm 2020, nhưng ông Tất Thành Cang vẫn lo lắng đặt vấn đề: Liệu rằng các doanh nghiệp lữ hành, hạ tầng khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch có đáp ứng được mục tiêu nêu trên hay không?

Theo ông Tất Thành Cang, trước khi có NQ số 08-NQ/TW thì TP HCM đã có chỉ thị số 07-CT-TU về nhiệm vụ phát triển ngành du lịch thành phố đến 2020, xuất phát từ tốc độ tăng trưởng ngày một tăng của ngành này. Tức là thành phố một lần nữa là mô hình động lực phát triển ngành du lịch tiên phong của cả nước.

Hiện nay, hàng năm lượng khách quốc tế đến thành phố bình quân tăng 8,2%/năm, chiếm khoảng 56,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Mức doanh thu hàng năm tăng 16,4%, chiếm đến 39% doanh thu ngành du lịch của cả nước, đóng góp bình quân 9% vào tăng trưởng GDP của thành phố và đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Tuy nhiên, cũng như lo lắng ban đầu nêu ra, ông Tất Thành Cang cho rằng ngành du lịch của thành phố hiện nay “vẫn làm theo cách làm thời bao cấp”, dựa nhiều vào nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước, mà rõ nhất là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ; năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là du lịch chưa theo kịp nhu cầu phát triển nhanh của thị trường và nhu cầu xã hội.

“Đã đến lúc phải có sự đột phá và phải tận dụng được các nguồn lực hiện có, thậm chí rất phong phú của thành phố. Chúng tôi nhìn cách làm của Tuần Châu, Vinpearl Nha Trang thì nhìn về thành phố thấy rất chạnh lòng”, ông Cang nói, đồng thời dẫn chứng về biển Cần Giờ là một thí dụ điển hình.

Theo Phó Bí thư Thành ủy TP HCM: “Cần Giờ có thể phát triển hàng chục loại hình du lịch nhưng lâu nay chúng ta đã lãng quên. Do đó, đến lúc phải phát triển Cần Giờ thành khu du lịch trọng điểm của thành phố. Nhưng khi bắt tay vào làm mà chỉ nhìn Cần Giờ ở phát triển đô thị ven biển thì chưa đủ mà còn phải hướng ra 30.000 ha bờ biển, với hệ thống luồng lạch “lá phổi sống” bao phủ, có thể phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, homestay,....”.

Cũng theo ông Tất Thành Cang, nếu đi từ đường biển từ Cần Giờ vào thì có cả hai ngã Soài Rạp vào và tàu hơn 50.000 tấn đi vào được và đi được cả tàu lớn, cano. Lãnh đạo thành phố đã thị sát và đang rất quan tâm đến những cái cơ hội này và đã đến lúc là thành phố sẽ phải có những đột phá. Tới đây, TP HCM sẽ phát triển hệ thống giao thông kết nối với Cần Giờ, trước hết là xây dựng một cây cầu lớn qua Cần Giờ.

Không chỉ coi vùng biển Cần Giờ là vùng động lực, ông Cang cũng nói ở Tây Bắc thành phố cũng có tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng chắc chắn phải xây dựng tuyến Metro kéo về đây thì mới phát triển được vùng này. Bởi vì, ngoài khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, phát triển du lịch biển, du lịch xanh thì thành phố quan tâm rất lớn đến gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử bền vững, đồng bộ, đặc sắc của thành phố.

Một góc đường sách Nguyễn Văn Bình tại trung tâm thành phố,
trở thành điểm đến của đông đảo du khách. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ưu tiên về cơ chế chính sách cho du lịch

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng GĐ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn chia sẻ quan điểm của lãnh đạo thành phố khi cho rằng giao thông là một vấn đề rất quan trọng để đẩy sự phát triển ngành du lịch thành mũi nhọn. Hiện nay kẹt xe vẫn là vấn đề nan giải của thành phố và làm sao phải phát triển hạ tầng giao thông đem lại sự hài lòng cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với TP HCM. Ông Tài cũng kiến nghị TP HCM nên giảm thuế sử dụng đất hợp lý để thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch; miễn visa đối với du khách quốc tế, thực hiện visa điện tử;…

Theo đại diện Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn thì nhiều vấn đề của ngành du lịch hiện nay nếu còn tồn tại thì rất khó có đột phá. Do đó, Trung ương nên cho TP HCM cơ chế “xé rào”, chẳng hạn như thực hiện thí điểm, nếu đạt hiệu quả sẽ nhân rộng. Bởi vì TP HCM đã có nhiều kinh nghiệm trong thí điểm nhiều mô hình, đề án, dự án quan trọng, về sau hầu hết được Trung ương nhân rộng ra cả nước.

Góp ý tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng GĐ Công ty du lịch Vietravel cho rằng, nên phát triển 4 loại hình du lịch không chỉ ở TP HCM mà các thành phố du lịch khác, như du lịch mua sắm, du lịch văn hóa (hàn lâm và đường phố); du lịch chữa bệnh và du lịch hội thảo, hội nghị. Chẳng hạn, hai bên bờ sông Sài Gòn phải có sự quy hoạch, đầu tư tương xứng, trong đó tổ chức lại hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa cho đẹp, trở thành hai tuyến đường du lịch ẩm thực vào buổi tối.

Theo ông Kỳ, hiện nay, thành phố vẫn chưa tận dụng được các vị trí đắc địa nêu trên. “Trung tâm mua sắm hiện nay có 3 loại mua sắm, trong đó có mua sắm theo tour du lịch đang yếu và thiếu. Tại sao không tận dụng sự liên kết giữa các siêu thị và khách du lịch để tận dụng lợi thế này? Và, phải tạo điều kiện cho du khách đi du lịch tự do trong mỗi tour và khách có thể dùng điện thoại thông minh của mình để tìm kiếm các điểm đến đó”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói về cách phát triển loại hình du lịch mua sắm.

Đồng quan điểm với đại diện Vietravel, bà Thanh Thủy, Chủ cửa hàng mua sắm Miss Áo Dài cho biết, du lịch mua sắm là một loại hình đúng nghĩa là ngành “công nghiệp mua sắm”. Bà Thủy đặt ra bài tính, nếu chỉ cần trung bình 1 khách du lịch trong 1 tour mà vào mua sắm khoảng 1USD tại một siêu thị thì sẽ có 10 triệu USD trong một năm. Thế nhưng, bà Thủy cũng rất lo lắng vì một xe 50 chỗ chở khách du lịch mà di chuyển trong thành phố hiện nay rất khó khăn và đó là một cản trở khi thu hút khách du lịch.

Theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp, hiện nay Nha Trang, Phú Quốc đang nổi lên và thu hút lượng khách vào TP HCM. Làm thế nào để hấp dẫn du khách thì chắc chắn phải có chính sách đặc biệt. Ông Xuân Anh chia sẻ sự ngậm ngùi của mình khi một du khách quốc tế phản ánh, TP HCM hiện nay như một Mega city với các tòa nhà cao tầng ngột ngạt. Vị du khách này mong muốn đến với thành phố có truyền thống lịch sử 300 năm lâu đời, với nhiều điểm đến văn hóa, lịch sử nhiều hơn là đến một Mega City như vậy, vì ở đâu cũng có thể có.

“Chúng tôi kiến nghị là thành phố cần xây dựng được điểm đến, nghĩa là phải có giá trị lớn, mang tính biểu tượng cho thành phố. Trong đó, nhất thiết là phải quy hoạch “vùng lõi” trung tâm của thành phố trở thành nơi lưu giữ văn hóa, lịch sử, các giá trị của thành phố, trong khi các cao tầng dạng Mega City cần chuyển về Q.2 hoặc các đô thị mới”, ông Phan Xuân Anh góp ý.

Một số ý kiến cũng đề nghị lãnh đạo TP HCM nên quan tâm đến môi trường du lịch, bởi vì đó là yếu tố tạo niềm tin và cảm hứng ngay từ đầu đối với du khách, nhất là du khách quốc tế.

Tiếp thu các ý kiến góp ý đối với ngành du lịch của thành phố, Bí thư Thành ủy TP HCM – Đinh La Thăng nhìn nhận còn nhiều vấn đề thành phố cần phải khắc phục, sửa chữa để du lịch trở thành ngành mũi nhọn. “Để giải quyết vấn đề trước mắt, thành phố sẽ tạo điều kiện cho hoạt động, nhất là các hợp tác hết sức cụ thể của các doanh nghiệp về du lịch lữ hành với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, các siêu thị, trung tâm thương mại, để trở thành một kết nối du lịch bài bản, thông suốt”, ông Đinh La Thăng tiếp thu các ý kiến về phát triển du lịch mua sắm.

Về lâu dài, TP HCM muốn có một môi trường phát triển du lịch thực sự ở Cần Giờ, Củ Chi, biến những nơi này thành điểm đến thú vị khi du khách đến thành phố. Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch hàng tháng ở tầm quốc tế, chẳng hạn như đường hoa Nguyễn Huệ hay lễ hội áo dài, lễ hội ánh sáng,…

Đối với những vấn đề doanh nghiệp kiến nghị, đại diện lãnh đạo TP HCM cũng cam kết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để khắc phục các khiếm khuyết, yếu kém; đồng thời cũng nghiên cứu các đề xuất, sáng kiến từ phía đại diện các doanh nghiệp để biến du lịch trở thành ngành mũi nhọn, đem lại đóng góp tương xứng, tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu của đô thị lớn nhất nước.

“Phải thay đổi tư duy cũ khi cho rằng lĩnh vực du lịch thì chỉ là công việc của Sở Du lịch TP, mà phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chúng ta phải có chính sách, cơ chế tiếp cận sát hơn với sự phát triển của thực tiễn, xét trong bối cảnh hội nhập”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Thành Luân