Gỡ khó cho lao động xuất khẩu

Minh Hải Ảnh: Thành Trung 08/03/2017 15:35

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chủ trì Hội nghị.

Tại đây bên cạnh những thành tựu đạt được, thì một số bất cập trong hoạt động xuất khẩu lao động vẫn còn tồn tại. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Bộ chủ quản cần sớm hoàn thiện mục tiêu liên quan đến xuất khẩu lao động và mục tiêu hoàn thiện cơ chế cho xuất khẩu lao động.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Kiên quyết xử lý môi giới, cò mồi

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo số lượng và chất lượng người lao động ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng cần phải được mở rộng và đa dạng hoá hình thức, thị trường tiếp nhận, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của nước ngoài về số lượng, trình độ và ngành nghề.

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của ta trong thời gian tới cần phải đảm bảo sức cạnh tranh trên cơ sở tăng cường đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật và chuyên gia, nâng dần tỷ trọng lao động có chất lượng cao trong tổng số lao động ra nước ngoài làm việc và nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp dịch vụ.

Báo cáo tình hình chung về xuất khẩu lao động, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng đưa đi tăng dần theo hàng năm, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao, hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào nề nếp. Trong 3 năm 2014 -2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn này xấp xỉ 350.000 người. Riêng trong năm 2016 có trên 126 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Đài Loan (Trung Quốc) trên 68.000 lao động, Nhật Bản gần 40.000, Hàn Quốc trên 8.000 và Ả rập Xê út có trên 4.000 lao động.

Tính đến hết tháng 12/2016, toàn quốc có 277 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. “Tuy nhiên, nguồn lao động của ta còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Nhận thức và chất lượng của người lao động chưa thể nâng cao trong thời gian ngắn tập trung đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi; Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động chậm được khắc phục; vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn, tuyển chọn lao động mà khoán trắng mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thị trường, thực hiện hợp đồng cung ứng lao động cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc trong khi quản lý không chặt chẽ hoạt động của chi nhánh, trung tâm này. Sự thay đổi trong chính sách tiếp nhận, cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động nước ngoài của các quốc gia tiếp nhận lao động khiến công tác dự báo số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, công tác quản lý, bảo vệ người lao động gặp khó khăn”- Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, hằng năm đưa đi được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo.Để nâng chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa để chỉ những DN thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiên quyết xử lý các DN tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trường hợp phát hiện các DN không duy trì việc đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, Bộ sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động.

Tại Hội nghị, vấn đề lao đông bỏ trốn được các đại biểu đặc biệt quan tâm, theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Lãnh sự Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới cần giảm tình trạng người lao động bỏ hợp đồng đi làm việc bất hợp pháp. Thời gian qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên tỉ lệ này có giảm nhưng vẫn còn cao.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, với lao động bỏ trốn thì nguyên nhân, giải pháp rất nhiều, quan trọng là phía DN cũng phải xác định giáo dục định hướng, mục tiêu của người lao động là rất quan trọng, khi đi xuất khẩu lao động họ nghĩ đến thu nhập nhiều hơn, nếu giáo dục tốt người lao động học nghề thì tình hình sẽ thay đổi.

Về định hướng nghề bà Nguyễn Thị Kim Thanh- Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế (VCCI) cho rằng: Chưa có định hướng ngành nghề trong xuất khẩu lao động, cần tiến hành định hướng cho các doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động ở nước ngoài nhiều, chúng ta ở thế yếu. Mong muốn từ phía Bộ đưa ra định hướng, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu lao động phát triển bền vững, ổn định.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.

Đẩy mạnh, mở rộng thị trường

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trân trọng sáng kiến của Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị, vì sau 9 năm mới có một Hội nghị quy mô về xuất khẩu lao động, thay mặt cho lợi ích của đồng bào cả nước, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gửi lời cám ơn chân thành trước những đóng góp của các doanh nghiệp cho việc xuất khẩu lao động Việt Nam trong hơn 20 năm qua.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, hoạt động xuất khẩu lao động được nhân dân quan tâm và mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia tuy nhiên vẫn còn nhiều điều nhân dân phản ánh để Bộ nỗ lực hơn nữa trong việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều thị trường lao động rất tập trung, quy mô hàng vạn lao động, đây chính là thành quả và bài học kinh nghiệm quan trọng vì hiện có 282 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên cả nước. Với những thành quả doanh nghiệp hiện có, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các doanh nghiệp sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

“Để lại uy tín ở nước ngoài, xuất khẩu có quy mô hàng vạn người trong một nước, với đội ngũ gần 300 doanh nghiệp, đây là tài sản rất quan trọng cho đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, hầu hết lao động xuất khẩu sang nước ngoài đều có thu nhập tốt và họ có thể gửi tiền về cho gia đình và góp phần vào phát triển kinh tế cho đất nước, đồng thời, những người dân Việt Nam khi đi xuất khẩu lao động đã mang văn hoá Việt Nam sang nước bạn, và học tập được kỷ luật lao động ở mỗi nước, văn hoá của nước bạn để góp phần vào củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Đề cập đến vấn đề một số lao động bỏ trốn, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần phải có một chuyên đề tập hợp kiến nghị các giải pháp từ doanh nghiệp, từ đó Bộ sẽ tập hợp lại và tìm ra hướng khắc phục vấn đề này.

Cùng với đó là việc nhiều doanh nghiệp không báo cáo định kỳ về hoạt động, về báo cáo tài chính, về kết quả xuất khẩu lao động trong một năm, chính vì vậy theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, các doanh nghiệp cần phải có báo cáo hoạt động thường xuyên của mình và công khai hoá kết quả vì chỉ khi đó, người lao động mới thực sự tin cậy vào hoạt động của doanh nghiệp trong việc xuất khẩu lao động, từ đó doanh nghiệp có thể tiếp cận được với lao động tại các địa phương thuận lợi hơn.

Đối với “Đề án giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới trong đó gắn với lao động kỹ thuật”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế về xuất khẩu lao động để xuất khẩu lao động trở thành hoạt động bình thường, có hiệu quả cao.

“Xuất khẩu lao động hiện liên quan đến 4 vấn đề: một là người lao động khi xuất khẩu sẽ có được thu nhập, văn hoá, ngôn ngữ; doanh nghiệp nước bạn sẽ có được lao động; thứ ba là đất nước Việt Nam sẽ được uy tín và quan hệ; vấn đề thứ tư là nước tiếp nhận lao động được bình yên và giữ gìn trật tự trị an”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu. Chính vì vậy mà Bộ cần hoàn thiện mục tiêu liên quan đến xuất khẩu lao động và mục tiêu hoàn thiện cơ chế cho xuất khẩu lao động.

Trăn trở với vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn trong thời gian tới cần duy trì cạnh tranh lành mạnh vì chỉ khi cạnh tranh lành mạnh mới khắc phục được tiêu cực và công khai, minh bạch được các hoạt động, thông tin và cơ chế hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, “Doanh nghiệp nào hoạt động không đúng với những gì đã công khai thì người lao động sẽ trực tiếp kiến nghị”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

“Về triển vọng xuất khẩu lao động của Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam đang có lợi thế trong việc duy trì tỷ xuất sinh và dân số ổn định đến năm 2045, trong khi đó, xu hướng già hóa dân số ở các quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam tiếp tục tăng cao. Ví dụ tại Nhật Bản, ¼ dân số Nhật Bản (25,8%) có độ tuổi trên 65, và gần 1/3 (32,3%) sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu năm 2030. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài từ các nước này là rất cao, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc; những cơ chế, chính sách để làm tốt hơn nữa công tác này trong những năm tới.”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tiến hành giám sát

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, để cạnh tranh lành mạnh thì doanh nghiệp phải cung cấp đủ thông tin và coi người lao động là một yếu tố quan trọng trong quá trình hoàn thiện cơ chế quản lý thông qua việc tạo một trang web phản ánh những ý kiến, kinh nghiệm của người lao động khi ở nước sở tại, đây chính là nguồn tin rất quan trọng để giúp Bộ LĐ-TB&XH giám sát hoạt động của người lao động ở các nước.

“Để cạnh tranh lành mạnh thứ nhất cần công khai hoá thông tin, thứ hai là Bộ có cơ quan tiếp nhận người lao động, thứ ba là Bộ và các cơ quan tiếp nhận đó phải thẩm định và xử lý những khúc mắc để cộng đồng doanh nghiệp và người lao động cùng biết. Cần phải dùng chính cơ chế thị trường để duy trì cạnh tranh lành mạnh.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.

Trong việc hoàn thiện cơ chế, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cần phải thảo luận chuyên đề với các tỉnh để tạo ra cơ chế hoạt động giữa Bộ, tỉnh và địa phương. Sau khi hoàn thiện các văn bản công bố, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện quy chế liên quan tới xuất khẩu lao động mà Bộ đã ban hành tại các địa phương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng xuất khẩu lao động không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều nơi mà đây cũng là việc chuẩn bị lực lượng lao động trong lĩnh vực cần, lâu dài. Nếu tổ chức lại tốt lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về sẽ là một yếu tố để thu hút đầu tư.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan làm công tác xuất khẩu lao động là hết sức quan trọng, đối với một số địa phương làm thay đổi căn bản và đối với đất nước cũng rất quan trọng. “Tới đây cần phải chấn chỉnh những bất cập, đẩy mạnh, mở rộng thị trường, mở thêm các ngành nghề mới, phân khúc mới”- ông Vũ Đức Đam đề nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải có chính sách để các địa phương vào cuộc trong việc đưa lao động đi làm việc, sự vào cuộc từ chính quyền đến toàn thể hệ thống sẽ giúp người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình này, giúp chúng ta khắc phục được rào cản từ các cấp chính quyền trung gian. Tiếp theo là làm tốt công tác đào tạo vì hiện nay thuận lợi là tất cả công tác đào tạo, dạy nghề đều do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, “Chúng ta không chỉ tập trung vào đào tạo cho những đơn vị để trực tiếp đi xuất khẩu lao động ngay mà chính là đưa ra nhiều mô hình đào tạo, phương pháp đào tạo, nội dung đào tạo, áp dụng trong nước”, Phó Thủ tường Vũ Đức Đam nói.

“Xuất khẩu lao động là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, thiết thực, tạo động lực góp phần giải quyết việc làm, thông qua các công ty, xã có 1121 lao động đã và đang lao động tại các quốc gia, thu nhập bình quân từ 12-17 triệu/tháng, có nhiều hộ hiện đang có 5 lao động đang làm việc tại Đài Loan. Khẳng định công tác XKLĐ là đúng đắn, mang lại thu nhập cao, ổn định, số hộ có người đi XKLĐ có số vốn, gia đình có mức sống tốt, xây dựng nhà cửa khang trang, góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả. Đề nghị nên niêm yết công khai mức phí cho từng thị trường, quốc gia để NLĐ biết và lựa chọn”- Ông Đỗ Thanh Dung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

Minh Hải Ảnh: Thành Trung