WikiLeaks tố CIA theo dõi toàn cầu thông qua thiết bị kết nối mạng
Ngày 8/3, trang mạng WikiLeaks đã công bố hàng loạt tài liệu rò rỉ, chỉ rõ các công cụ phần mềm tinh vi được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng để xâm nhập điện thoại thông minh, máy tính, thậm chí là TV kết nối Internet.
Ảnh minh họa.
Theo WikiLeaks, để che giấu chương trình theo dõi này, CIA thường xuyên áp dụng các phương thức tấn công mạng để cho phép họ giả làm các hacker người Nga.
Báo cáo cũng nói rằng gần như tất cả các vũ khí mạng của CIA đã bị ăn trộm và các công cụ nguy hiểm này có khả năng đã rơi vào tay của những kẻ tội phạm hoặc điệp viên nước ngoài.
WikiLeaks cho hay, các công cụ bị đánh cắp này đã rơi vào tay của một “cựu hacker và là nhà thầu của Chính phủ Mỹ” và chính người này đã gửi tài liệu rò rỉ cho họ. Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, Nghị sỹ Ted Lieu của bang California đã kêu gọi mở cuộc điều tra khẩn cấp.
“Tôi quan ngại sâu sắc trước cáo buộc cho rằng CIA đã để lộ các công cụ tấn công mạng. Chúng ta cần phải biết được liệu CIA có thực sự mất quyền kiểm soát các công cụ này hay không, ai có thể đã có chúng và làm thế nào để bảo vệ sự riêng tư của công dân Mỹ”- ông Ted Lieu nói.
WikiLeaks cho hay họ công bố số tài liệu trên là nhằm thông báo cho thế giới biết được mối hiểm họa tiềm tàng từ các chương trình hack bí mật của CIA, cùng số lượng các công cụ tấn công mạng. Để củng cố cho tuyên bố của mình, website chuyên “thổi còi” này đã đăng tải 8.761 trang tài liệu rò rỉ.
Trong báo cáo của mình, WikiLeaks đã mô tả CIA như một tổ chức chuyên tấn công mạng luôn tìm cách thâm nhập vào các thiết bị cá nhân thông dụng- có khả năng theo dõi cuộc sống của gần như tất cả mọi người.
WikiLeaks còn cho hay về sự tồn tại của cả một ban làm việc tại CIA chuyên trách việc che đậy dấu vết, chuyển hướng nghi vấn từ họ sang các hacker ở nước ngoài, như Nga.
Chính vì vậy, giới chuyên gia an ninh mạng luôn cảnh báo về việc đưa ra kết luận quá nhanh về khả năng một quốc gia tấn công mạng, mà phải chờ phân tích kỹ lưỡng.
Ngoài ra, có một đội ngũ thuộc CIA chuyên trách phát triển các phần mềm gián điệp có thể cài trên TV thông minh của Hãng Samsung.
Chương trình này có tên gọi “Weeping Angel”- từng được tạo ra để hỗ trợ cơ quan tình báo MI5 của Anh. Một đội ngũ khác của CIA chuyên phát triển các công cụ tấn công mạng có khả năng điều khiển từ xa các mẫu điện thoại thông minh như iPhones, máy tính bảng iPad và các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android- trong đó bí mật thu lại hình ảnh từ camera của các thiết bị này, ghi âm thông qua microphone và theo dõi địa điểm.
Ngay sau khi nhận được nhiều phản ứng lo ngại của khách hàng, Hãng công nghệ Apple đã lập tức trấn an dư luận bằng cách nói rằng đợt cập nhật phần mềm mới nhất của họ đã tiêu diệt “nhiều” công cụ tấn công tiềm tàng nhằm vào mẫu điện thoại iPhone của họ. Công ty này nói rằng “sẽ tiếp tục phân tích để nhanh chóng tìm ra những điểm yếu” còn tồn tại.
Trong khi đó, Samsung cho hay họ cũng biết về thông tin trên và đang “gấp rút tìm hiểu về sự việc”. Google thì từ chối đưa ra bình luận, Microsoft nói rằng đã biết về thông tin trên và đang tìm hiểu.
Rất nhiều người dân Mỹ lo lắng về sự riêng tư cá nhân của mình sau khi nghe tin đã lập tức tìm tới các ứng dụng có khả năng mã hóa cao để gọi điện thoại và nhắn tin.
Các ứng dụng được tải về nhiều nhất là Signal và WhatsApp. Tuy nhiên, hiện những công dân bình thường vẫn chưa có cách nào để nhận biết xem liệu máy tính, điện thoại của họ có bị CIA thâm nhập hay không.
Về phần mình, CIA đã từ chối đưa ra bình luận về tính xác thực của số tài liệu rò rỉ nói trên. “Chúng tôi không bình luận về tính xác thực hay nội dung của các tài liệu nọ”- người phát ngôn CIA là bà Heather Fritz Horniak nói.