Quan hệ Malaysia và Triều Tiên bên bờ khủng hoảng
Quan hệ giữa Malaysia và CHDCND Triều Tiên đã bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sau khi cả hai nước đưa ra các lệnh cấm thị thực đối với công dân của hai bên, trong bối cảnh căng thẳng liên quan tới quá trình điều tra vụ sát hại người được cho là ông Kim Jong-nam tại Kuala Lumpur.
Cảnh sát Malaysia canh gác bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên hôm 8/3 đã dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nói rằng tất cả công dân Malaysia “sẽ bị tạm thời cấm rời khỏi đất nước này cho đến khi sự việc đã xảy ra tại Malaysia được giải quyết một cách hợp lý”.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã gọi sự việc trên là “hành động không phù hợp, bắt giữ công dân làm con tin” bất chấp luật pháp quốc tế. Ông cũng tuyên bố đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát ngăn chặn tất cả công dân Triều Tiên ở Malaysia rời khỏi nước này cho tới khi sự an toàn của công dân Malaysia ở Triều Tiên được đảm bảo.
Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay họ có khoảng 11 công dân đang ở Triều Tiên, trong đó gồm 3 nhân viên Đại sứ quán, 6 thành viên trong một gia đình và 2 người khác. Cả hai nước đều không cho hay hiện có bao nhiêu công dân Triều Tiên đang ở Malaysia.
Một cuộc điều tra của cảnh sát nhằm tìm hiểu vụ sát hại ông Kim Jong-nam – người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un – tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hồi tháng trước đã khiến chính quyền Bình Nhưỡng tức giận sau khi bị nêu tên 7 công dân Triều Tiên đang bị truy nã để thẩm vấn.
Cảnh sát trưởng Malaysia trong hôm 7/3 khẳng định rằng có 3 công dân Triều Tiên đang bị truy nã vì liên quan tới vụ sát hại này đang trốn bên trong tòa Đại sứ quán Triều Tiên. Một nhân viên thuộc hãng hàng không Triều Tiên và một quan chức ngoại giao cũng bị liệt vào danh sách nghi phạm, được cho là trốn bên trong tòa nhà này.
“Chúng tôi đang cố gắng xác nhận tất cả các nhân viên đại sứ quán tại đây” – Thứ trưởng Nội vụ Malaysia, Nur Jazlan Mohamed, nói với báo giới trong nước. Vị quan chức này thêm rằng nhân viên tại đây sẽ không được phép rời khỏi tòa nhà “cho đến khi chúng tôi biết rõ số lượng và vị trí của họ”.
Trong vòng 3 ngày qua, cả Triều Tiên và Malaysia đã tuyên bố chỉ thị yêu cầu các nhân viên đại sứ quán của mỗi bên phải rời khỏi vị trí làm việc của họ và về nước.
Theo chính quyền Malaysia, Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia là Kang Chol, đã ngăn chặn quá trình điều tra và khám nghiệm tử thi ông Kim Jong-nam. Các cuộc kiểm tra sau đó đã đưa ra kết luận rằng ông Kim Jong-nam bị chết do chất độc thần kinh VX - một chất hóa học cấm và bị coi là vũ khí hóa học.
Lệnh cấm đối với toàn bộ công dân Triều Tiên rời khỏi Malaysia đã ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng người Triều Tiên đang sinh sống tại Kuala Lumpur, một số đang vận hành các nhà hàng ăn. Ngoài ra, có nhiều lao động người Triều Tiên đang làm việc tại một số công ty khai khoáng ở Malaysia.
Tờ Star của Malaysia hôm 8/3 dẫn lời một quan chức giấu tên của nước này cho hay đội ngũ các nhà ngoại giao của họ ở Bình Nhưỡng vẫn an toàn. “Chúng tôi đã liên lạc với đội ngũ của mình và duy trì liên lạc với họ. Họ được khuyên là vẫn duy trì các hoạt động thường nhật”- vị quan chức cho hay.
Trước đó, chính quyền Malaysia đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hai nữ nghi phạm, xuất hiện trên camera an ninh sân bay khi đang tiếp cận nạn nhân, được tin là đã trực tiếp sát hại ông Kim Jong-nam.
Cả hai đã bị bắt giữ và cáo buộc tội danh giết người. Hai nghi phạm trên có khả năng sẽ phải đối mặt với án tử hình nếu bị kết án, nhưng các báo cáo từ phía cảnh sát cho rằng họ không phải là những kẻ chủ mưu của vụ sát hại này.
Theo phía Đại sứ quán Indonesia tại Malaysia, nghi phạm Siti Aisyah, công dân Indonesia, đã được trả khoản tiền 90 USD để thực hiện hành vi mà cô tin là một trò chơi khăm.
Đến nay, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn không chính thức xác nhận người bị hại trong vụ việc trên là ông Kim Jong-nam, đồng thời nói rằng ông này bị chết do một cơn đau tim. Cảnh sát Malaysia hiện vẫn đang kêu gọi những người có quan hệ với nạn nhân xác nhận thi thể và cung cấp mẫu DNA để xét nghiệm đối chiếu.
Trong báo cáo đầu tiên mà Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa ra kể từ sau vụ việc trên, chính quyền nước này cáo buộc Malaysia đã vi phạm luật pháp quốc tế khi xét nghiệm tử thi và không chịu trao trả thi thể cho họ. “Điều này đã chứng tỏ rằng phía Malaysia đang định chính trị hóa quá trình trao trả thi thể, bất chấp luật pháp quốc tế và tính nhân đạo, vì mục đích hiểm ác”- theo KCNA.
Hồi tháng trước, Triều Tiên cũng lên tiếng chỉ trích Malaysia, cáo buộc nước này đang ấp ủ “âm mưu hiểm ác” và hợp tác với Hàn Quốc.