Giảm sức cạnh tranh vì logistics yếu

Minh Phương 09/03/2017 08:52

“Chi phí vận tải quá cao khiến cho các DN trong nước bị yếu thế hẳn so với DN nước ngoài. Để nâng sức cạnh tranh cho DN, nhất định phải xây dựng được những DN logistics đầu tàu và hình thành những trung tâm logistics tầm khu vực và quốc tế” – Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh tại hội nghị Triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội.

DN Việt chỉ có thể mạnh khi dịch vụ logistics phát triển mạnh.

Giới chuyên gia trong ngành nhận định, logistics Việt Nam có rất nhiều thế mạnh để phát triển như: Hệ thống cảng biển lớn, nhiều điểm thông quan nội địa (ICD) nằm sâu trong đất liền; các DN logistics trong nước đang sở hữu hệ thống kho bãi rộng khắp cả nước… thế nhưng dường như các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết các tiềm năng đó.

Con số dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam cho biết, lượng hàng xuất nhập khẩu vào năm 2020 ở con số khoảng 560 triệu tấn và đến năm 2025 là 850 triệu tấn.

Nếu ngành logistics nước nhà vẫn còn duy trì thực trạng phát triển manh mún, quy mô các đội tàu nhỏ bé, vận chuyển các tuyến đường hữu hạn như hiện nay, rất khó đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu trong thời gian tới và nguy cơ bị mất sân nhà là khó tránh.

Đáng quan ngại hơn, dịch vụ logistics kém đang là nguyên nhân khiến cho sức cạnh tranh của các DN trong nước ngày càng yếu đi.

DN chở một con tôm từ Đồng bằng Sông Cửu Long ra các tỉnh miền núi phía Bắc phải chi trả giá vận chuyển còn đắt hơn cả việc chở con tôm ấy sang Ecuado.

Đây là một thực tế đáng buồn được Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nêu ra tại hội nghị Triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, cho thấy rõ đâu là nguyên nhân đẩy chi phí của DN lên cao.

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Thực hiện triển khai Quyết định 200 của Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… đều được “giao” các nhiệm vụ cụ thể, trong đó, tập trung vào mục tiêu hoàn thiện chính sách pháp luật về dịch vụ logistics, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường dịch vụ logistics…

Ông Hải nhận định: “Hiện nay, các DN logistics vẫn còn phát triển riêng rẽ, chưa có sự kết nối, chưa tạo được một khối lớn mạnh, và như vậy thì ngành logistics chưa thể phát triển mạnh mẽ được. Điều này tất yếu ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các DN Việt Nam khi họ phải bỏ ra quá nhiều chi phí cho các dịch vụ logistics”.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Logitstics Việt Nam (VLA) cho rằng: Vận tải biển quốc tế Việt Nam đang thua nước ngoài khi chỉ chiếm thị phần vỏn vẹn 10%.

Hiện nay DN Việt chỉ đảm trách được các tuyến đường ngắn, còn các chuyến đòi hỏi các đội tàu lớn thì thuộc về các DN nước ngoài. Bởi vậy, việc ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg của Chính phủ về kế hoạch hành động nang cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là hết sức cần thiết.

Trung tuần tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/ QĐ-TTg về kế hoạch hành động nang cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP....

Đặc biệt, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực

Minh Phương