Chưa biết sợ

Lê Anh Đức 09/03/2017 09:58

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc đang bùng phát các chủng cúm A, nhất là cúm A H7N9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phải ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm dịp đầu năm 2017. Ấy vậy nhưng có vẻ như nhiều người dân vẫn chưa biết sợ không chỉ vì thiếu hiểu biết, mà còn cho rằng bệnh dịch đang ở tận đâu chẳng liên quan gì tới mình.

Tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm.

Không chỉ ra lời cảnh báo, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan đã phải tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành bàn các biện pháp ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch bệnh. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc rất phức tạp, hiện đã ghi nhận khoảng gần 500 trường hợp mắc với tỷ lệ tử vong cao. Đây là mối lo ngại lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, bởi dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng vào Việt Nam thông qua con đường nhập lậu gia cầm.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm đến nay nước ta đã ghi nhận 3 ổ dịch chủng cúm A H5N1. Tại các địa phương có ổ dịch, chính quyền đã tổ chức tiêu hủy hàng chục nghìn con gia cầm nhiễm bệnh và ra quyết định công bố dịch để ứng phó.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là không chỉ ở những địa phương chưa có dịch, mà ngay cả ở những địa phương đã công bố dịch thì người dân cũng còn rất lơ mơ về dịch bệnh các chủng cúm gia cầm.

Theo đó, nhiều người vẫn hồn nhiên buôn bán, giết mổ gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vấn đề đặt ra là nguồn gia cầm nhập lậu ở đâu ra?

Không cần nói ai cũng biết, đó là những con gia cầm thẩm lậu qua biên giới theo các con đường mòn, đường tắt. Một số người đã vì lợi nhuận mà bất chấp nguy cơ bùng phát dịch bệnh các chủng cúm gia cầm vẫn lén lút nhập lậu các loại thịt gia cầm và gia cầm sống qua biên giới tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Không chỉ nhập lậu gia cầm thịt, mà một số người còn nhập lậu giống gia cầm trong khi nguy cơ lây lan chủng cúm A H7N9 từ Trung Quốc là rất cao. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng ở Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển vịt, gà giống, thu giữ hàng vạn gia cầm giống nhập lậu.

Đang vào vụ chăn nuôi nên nhu cầu giống gia cầm rất cao, vì thế việc buôn bán vịt, gà con từ Trung Quốc có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Sở dĩ một số người bất chấp nguy cơ bùng phát dịch bệnh lén lút nhập lậu gia cầm giống vì lợi nhuận rất cao. Cụ thể, một con gà, vịt một tuần tuổi chỉ có giá 2 đồng NDT (tương đương 6.000-7.000 VNĐ), nhưng khi vận chuyển chót lọt vào Lạng Sơn thì giá đã tăng lên gấp đôi khoảng 15.000-17.000 đồng/con. Do vậy, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu qua các đường mòn biên giới gia tăng đáng lo ngại.

Cũng thật khó cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát gia cầm nhập lậu qua biên giới khi mà ý thức của người dân chưa cao.

Thậm chí có một số người bất chấp pháp luật để kiếm lợi. Vì sao nói cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát? Đơn giản là đường biên thì rất dài, các cơ quan chức năng cũng không thể ngày đêm “căng” hết quân số ra để ngăn chặn, ngay cả khi có “dốc toàn lực” nhưng nếu người dân cố tình tìm đường mòn, đường tắt để vận chuyển gia cầm nhập lậu thì cũng đành bó tay.

Hiện trạng trên thật đáng quan ngại, bởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch cúm A/H7N9 đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc và tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với hơn 100 trường hợp mắc ở người.

Tại Việt Nam, tuy chưa phát hiện ca nhiễm cúm A H7N9 nào, song đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 ở một số hộ gia đình và đã được xử lý kịp thời nên không có hiện tượng lây lan rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, mầm bệnh cúm gia cầm cũng đã xuất hiện tại một số mẫu môi trường và gia cầm tại các chợ bán gia cầm sống nên có nguy cơ tiếp tục xảy ra ổ dịch mới nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng.

Theo báo cáo của các địa phương, tình hình chăn nuôi gia cầm dù vẫn ổn định, song ở nhiều nơi chăn nuôi vẫn ở dạng nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát khi phát sinh dịch bệnh.

Đó chính là lý do Bộ Y tế đã thành lập 12 điểm kiểm soát dịch bệnh các chủng cúm A trên toàn quốc, gia tăng hoạt động giám sát trên người, nhất là ở khu vực có nhiều khách du lịch, các cửa khẩu xuất nhập cảnh... đồng thời mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ được lấy mẫu giám sát thay vì như trước đây là chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nặng...

Song, dù cơ quan chức năng có nhiều đến đâu cũng khó có thể kiểm soát hết được nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các chủng cúm A nếu ý thức của người dân thực sự chưa được nâng lên.

Lực lượng chức năng hoạt động lúc trời sáng, những người buôn lậu gia cầm hoạt động lúc trời tối, số lượng người thực thi nhiệm vụ lại không thể dàn trải hết được từng đường mòn, lối mở ở các khu vực biên giới, chưa kể thị trường nội địa với nhan nhản các chợ cóc, chợ tạm... thì đúng là nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh quả nhiên vô cùng khó khăn.

Vậy nên chỉ bao giờ người dân hiểu và thực sự biết sợ dịch bệnh bùng phát để có thể từ bỏ cái lợi trước mắt mà không buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ mới hy vọng kiểm soát tốt dịch bệnh.

Lê Anh Đức