Tăng cường tham mưu chiến lược về hội nhập quốc tế

Theo VGP 09/03/2017 16:51

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường công tác tham mưu chiến lược cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hội nhập quốc tế (HNQT).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp
toàn thể của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Sáng ngày 9/3, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về HNQT, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì phiên họp toàn thể của Ban Chỉ đạo để tổng kết, đánh giá công tác năm 2016 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2017.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, năm 2016 là năm bản lề, đánh dấu giai đoạn mới về HNQT toàn diện và sâu rộng hơn của Việt Nam, trong đó lĩnh vực kinh tế quốc tế là trọng tâm.

Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai các hoạt động HNQT trong khuôn khổ nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng về HNQT, trong đó có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 06-NQ/TW khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định hội nhập đã mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là những lợi ích hết sức cần thiết và quan trọng.

Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thương mại toàn cầu giảm trong khi sự hoài nghi về toàn cầu hóa gia tăng… các ban chỉ đạo liên ngành cần tăng cường công tác tham mưu chiến lược cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên các lĩnh vực; tiếp tục củng cố và kiện toàn về tổ chức để nâng cao hiệu quả phối hợp.

Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW với trên 50 nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong triển khai, nhất là việc rà soát các khuôn khổ thể chế để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các FTA đã ký kết.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về tăng cường hiệu quả thực hiện các FTA đã có hiệu lực, qua đó tranh thủ thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại.

Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tích cực vận động các nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Đến nay, đã có 64 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Lần thứ hai là chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương - APEC, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây không chỉ là dịp Việt Nam tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của Diễn đàn mà còn là cơ hội để tăng cường quảng bá tiềm năng, kết nối đối tác, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các thành viên của APEC.

Đối với công tác thông tin và truyền thông về HNQT, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có những biện pháp, cách tiếp cận tốt hơn nữa để người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin về hội nhập một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Đồng thời, tăng cường vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc giúp các doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng được những ưu đãi, cơ hội của các FTA.

Ban Chỉ đạo quốc gia về HNQT do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra các định hướng, chiến lược, các giải pháp lớn liên quan đến HNQT; đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về HNQT cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong từng giai đoạn.

Theo VGP