Âm hưởng dân gian tiếp sức cho nhạc trẻ

Vi Cầm 10/03/2017 08:35

Nhạc đương đại lấy chất liệu từ nghệ thuật dân gian giờ đây đang trở thành xu thế trong các sáng tác của những nghệ sĩ trẻ. Có thể là ý tưởng bắt nguồn từ những câu chuyện cổ tích, những tích truyện, hoặc những nhân vật đã nổi tiếng trong các tác phẩm văn học. Đây cũng chính là một cách bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa âm nhạc truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian.

“Bống bống bang bang” là ca khúc “hot” hiện nay. (Ảnh: TL).

Dễ thấy nhất là hiện tượng của MV “Bống bống bang bang” (sáng tác của OnlyC)- một ca khúc trong nhạc phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” ra mắt khán giả vào đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi năm 2016. Tác phẩm có sự kết hợp dòng nhạc điện tử hiện đại cùng tiết tấu vui nhộn, sôi động; hoạt cảnh, trang phục đậm màu sắc dân gian được lấy cảm hứng từ những nhân vật được yêu thích trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt như Trạng Tí, Dần Béo, Cả Mẹo...

Cho đến nay, nhiều tháng trôi qua, “Bống bống bang bang” vẫn là ca khúc “hot”, chiếm được cảm tình của người nghe, người xem. Không những thế, đây còn là ca khúc được sử dụng nhiều nhất trong việc làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại, nhạc thể dục đầu giờ và giữa giờ tại nhiều trường học.

Vậy điều gì làm nên sự hấp dẫn ấy? Cõ lẽ đơn giản chỉ là việc bám sát nội dung câu chuyện cổ tích Tấm Cám quen thuộc; phong cách biểu diễn của nhóm 365. Đơn giản vậy nhưng hiện tượng này góp phần khỏa lấp cơn khát về những sáng tác cho thanh thiếu nhi bấy lâu nay. Sự pha trộn mới lạ giữa truyền thống và hiện đại sớm được giới trẻ hào hứng thưởng thức.

Theo phân tích của các chuyên gia, đây cũng là một gợi ý hay, để kho tàng văn học dân gian Việt Nam khổng lồ có thêm một cách thức hữu hiệu chinh phục và hâm nóng tình yêu quê hương cho đối tượng trẻ thơ - lớp khán giả tiềm năng nhất của thị trường âm nhạc nội địa. Chỗ này xin mở ngoặc nói thêm rằng, từ các chương trình giải trí trên truyền hình, khán giả nhìn thấy rõ hơn sự khan hiếm các ca khúc cho thanh thiếu nhi hôm nay. Bởi phần lớn các thí sinh chọn trình bày ca khúc tiếng Anh hoặc những bài hát quá già dặn so với lứa tuổi. Thậm chí nhiều học sinh tiểu học cho biết, các em chỉ thuộc và thích những ca khúc của Sơn Tùng MTP.

Hay gần đây nhất là chương trình “Sing my song” năm 2016, nhờ chọn ca khúc hát về Chí Phèo mà thí sinh Bùi Công Nam đã được vào thẳng vòng chung kết. Ca khúc ợi cảm hứng để Bùi Công Nam sáng tác. Ngay khi vừa ra mắt, ca khúc đã chiếm trọn cảm tình của khán giả và các huấn luyện viên. Nhạc sĩ Đức Trí nhận xét, đây là ca khúc hay nhất từ đầu chương trình tới nay. Còn nhạc sĩ Giáng Son cho rằng, Bùi Công Nam đã tìm được phần người trong Chí Phèo để viết ra ca khúc này, đó là sáng tạo.

Thực tế, sử dụng âm hưởng dân gian trong sáng tác âm nhạc là điều không mới mẻ. Thế hệ nhạc sĩ lớp trước có thể kể đến Đỗ Nhuận, Xuân Khoát, Phan Huỳnh Điểu, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường… là những nhạc sĩ thành công trong lĩnh vực này. Gần đây, nhiều nhạc sĩ cũng đã có những thành công nhất định khi sử dụng chất liệu dân gian như Giáng Son, Lê Minh Sơn, Quốc Trung, Lưu Hà An…

Cho dù vẫn còn có những quan điểm khác nhau về việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian trong sáng tác, hoặc việc phân định dòng nhạc dân gian đương đại trong mạch chảy của âm nhạc… nhưng gần đây những ca khúc mang âm hưởng dân mang chất liệu âm nhạc dân tộc nhưng được sáng tác phá cách mang đậm hơi thở thời đại đã khiến khán giả thực sự “phát sốt”. Điều đó càng chứng tỏ sức mạnh của âm nhạc dân tộc mãi là một dòng chảy bất tận. Không thể phủ nhận là lớp nhạc sĩ trẻ 8X, 9X đã có được cách tiếp cận thông minh và chuyển hóa sức mạnh tiềm tàng ấy thành những ca khúc mang dấu ấn cho cá nhân họ và cho cả làng nhạc trẻ thời kỳ này.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, người có nhiều sáng tác âm nhạc từ chất liệu dân gian cũng chia sẻ, chất dân gian chính là mạch máu, là chất liệu của âm nhạc. Điều mà người nghe cảm nhận rõ nhất là chất dân gian, sự tinh tế, tính triết lý và chất tâm linh đã tạo nên diện mạo trong sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Minh chứng rõ nhất là mặc dù đã ở độ “xưa nay hiếm”, nhưng những sáng tác của ông vẫn khiến người nghe bị cuốn hút vào giai điệu êm ái, du dương mà rất thuần Việt.

Âm nhạc dân gian đương đại với chất liệu dân gian ngọt ngào, sâu lắng có lẽ sẽ mãi là mạch nguồn khơi gợi cảm hứng sáng tác cho các thế hệ nghệ sĩ khai thác. Dù mỗi người một cách tiếp cận, nhưng thông qua lăng kính của các nghệ sĩ chất dân gian sẽ làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây cũng chính là một cách bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa âm nhạc truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian.

Vi Cầm