Tố cáo qua fax, email, điện thoại, nặc danh: Công nhận hay không công nhận?
Công nhận tố cáo bằng các hình thức như fax, email, điện thoại, đơn thư nặc danh- vấn đề trên đã được thẳng thắn đề cập khi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ 4, diễn ra ngày 9/3.
Phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ủy ban Pháp luật, ngày 9/3.
Nhiều hình thức tố cáo
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Về hình thức tố cáo hiện đang có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo; đối với tố cáo hành chính căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị tố cáo nên dự thảo luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo: bằng đơn và trực tiếp. Đối với tố giác tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng thì đã có quy định về các hình thức tố cáo khác được điều chỉnh ở các luật tố tụng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài hai hình thức tố cáo nêu trên, Dự thảo luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng fax, email, điện thoại để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm. “Tuy nhiên, Chính phủ theo loại ý kiến thứ nhất”- ông Sáu cho hay.
Theo ông Sáu, về tố cáo nặc danh (không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo) cũng có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo. Trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Vì vậy nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét giải quyết. Hơn nữa trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.
Do đó Dự thảo chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh. Còn loại ý kiến thứ hai cho rằng, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình. Và Chính phủ thể hiện loại ý kiến thứ nhất vào nội dung Dự thảo Luật.
Ngay sau đó, ông Phạm Trí Thức- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần bổ sung các hình thức tố cáo bằng fax, email, điện thoại để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó giúp kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
“Vì nhiều nơi đã có đường dây nóng. Trong thời gian qua nhiều vụ tham nhũng được phát hiện là nhờ các hình thức này. Hơn nữa Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định tạo điều kiện cho người dân tố cáo. Hiện nhiều Bộ, ngành, các cơ quan báo chí cũng đã có đường dây nóng đã tiếp nhận nhiều vụ, qua đó đã phát hiện ra tham nhũng. Còn chỉ có một số ý kiến đồng tình với phương án thứ nhất”- ông Thức cho biết. Liên quan đến tố cáo nặc danh, ông Thức nói: “Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian qua nhiều nội dung tố cáo qua điện thoại là khá chính xác, trong khi việc bảo vệ người tố cáo chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ tốt người tố cáo. Do đó nên quy định tố cáo nặc danh”.
Lo ngại phình biên chế
Trước việc nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị cần bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng fax, email, điện thoại hay tố cáo nặc danh, ông Nguyễn Văn Kim- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ giải trình: Luật Tố cáo chỉ là khung còn cụ thể là luật khác quy định. Bởi do những bất cập trong tổ chức thực hiện thấy có nhiều vi phạm. Hiệu quả xử lý các hành vi vi phạm mới ở mức độ. Do đó, tạo điều kiện làm sao để người dân tố cáo nhưng không để lợi dụng tố cáo mà gây nhiễu. Cho nên nếu ghi nhận các hình thức tố cáo khác cần được xem xét rất chặt chẽ vì phải xem xét được danh tính tố cáo mới đưa ra xem xét.
Vẫn theo ông Kim, tố cáo nặc danh luôn là vấn đề nóng. Đúng là mỗi quan điểm đều có lý do riêng của mình. Nếu không xem xét thì có thể bỏ lọt. Còn nếu xem xét mà không chặt chẽ dẫn đến việc này việc kia, nhất là liên quan đến công tác cán bộ, đặc biệt là trước đại hội hay có tố cáo nặc danh. Đây là vấn đề rất đau đầu, chúng ta không xem xét giải quyết bằng Luật này mà có các quy trình khác chứ không bỏ sót, chỉ là do hình thức xử lý thế nào thôi. Coi tố cáo nặc danh như là thông tin ban đầu. Nếu xác minh được người nào lợi dụng tố cáo gây nhiễu thì phải xử lý nghiêm. Nhưng hiện đếm trên đầu ngón tay lợi dụng tố cáo để vu khống, gây mất đoàn kết do đó Luật không quy định.
Giải trình thêm, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Chủ yếu là dân tố cáo công chức cán bộ; cán bộ cấp dưới tố cáo cán bộ cấp trên chứ dân tố cáo dân thì ít. “Tố cáo nặc danh là vấn đề khó, đã bàn đi bàn lại rất nhiều. Nếu chúng ta mà quy định thì bộ máy đi xử lý nặc danh sẽ phình lên rất to. Còn nếu hình thức tố cáo mở rộng cho phép nhận qua facebook, email thì người tố cáo phản ánh xong rồi bỏ đó. Khi đi xác định thì không biết ở đâu, gây tốn nhiều thời gian”- ông Sáu cho hay.
Tuy nhiên ngay sau đó, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đề nghị, cần rà soát làm sao để các Luật không chồng chéo nhau mà phù hợp với nhau. Bởi ở đây có 3 Luật liên quan là Bộ luật Tố tụng Hình sự; các luật: Phòng, chống tham nhũng và tố cáo. “Luật Phòng, chống tham nhũng nói hình thức tố cáo không chỉ đơn thư, lời nói mà còn có nhiều hình thức. Đồng thời Bộ luật Hình sự cũng khẳng định tin báo tố giác tội phạm có thể bằng lời, hay văn bản chứ không cần đơn từ. Hay tố giác kiến nghị có thể gửi qua bưu điện, điện thoại, hay phương tiện thông tin khác thì cũng phải tiếp nhận”- ông Quyền nêu rõ.
Bảo vệ người tố cáo vẫn mơ hồ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề: Bảo vệ người tố cáo là nội dung quan trọng tuy nhiên trong Luật mới chỉ luật hóa Nghị định của Chính phủ chứ chưa có nhiều biện pháp mới, các giải pháp đưa ra còn chung chung. “Vậy tính khả thi của các biện pháp này như thế nào?”- ông Tùng hoài nghi.
Cảm thấy buồn khi “đây chỉ là khung còn chi tiết lại ở luật khác”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, kết luận phải gửi cho người tố cáo để họ biết đúng hay sai nhưng luật lại quy định họ yêu cầu thì mới gửi. “Việc gửi cho người ta còn là căn cứ để xác định xem giải quyết có bao che không? Như vừa qua có việc kiểm tra, thanh tra, điều tra nhưng đều không phát hiện ra như vụ Trịnh Xuân Thanh. Chỉ đến sau thanh kiểm tra mới phát hiện ra. Vậy các cơ quan trước đó có được coi là bao che không? Tôi nghĩ thậm chí được coi là đồng phạm ý chứ”- ông Cương nói. Ông Cương phân tích thêm: Hay như để bảo vệ người tố cáo thì Luật đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Nhưng lại quy định Thủ trưởng cơ quan cần có biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, vậy biện pháp cần thiết là cái gì? Quá mơ hồ. Hiện người tố cáo có ai bảo vệ được đâu? Chúng ta phải có lực lượng chuyên trách chứ “bảo vệ trong cơ quan” thì không khả thi”. Rồi kênh quan trọng là báo chí thì sao? Khi báo chí nêu vụ việc, các cơ quan vào cuộc và thấy sự việc đúng như báo chí nêu. Vậy coi báo chí là nặc danh hay có danh? Do đó khi báo chí nêu, cơ quan Nhà nước phải vào cuộc và kết luận trên phương tiện thông tin đại chúng.