Xây dựng Nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động đối ngoại

Hoài Vũ 10/03/2017 10:05

Chiều ngày 9/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đối ngoại. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Thời gian qua, Thanh tra Bộ Ngoại giao phát hiện có 2 lĩnh vực phi chính phủ nước ngoài và hoạt động tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế có nhiều sai phạm, do đó cần có chế tài xử phạt để đảm bảo trật tự quản lý nhà nước.

Hoạt động tổ chức hội thảo quốc tế. (Ảnh minh họa).

Theo ông Sơn, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Để triển khai thi hành Luật đối với lĩnh vực hoạt động đối ngoại theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đang xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại. Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành Nghị định trên trong năm 2017.

Do Luật chưa quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đối ngoại do đó để có cơ sở quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại.Hiện Việt Nam có gần 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy đăng ký hoạt động thường xuyên và triển khai các chương trình dự án hỗ trợ trên 63 tỉnh, thành với tổng giá trị viện trợ giải ngân khoảng 300 triệu USD.

Bên cạnh những mặt tích cực đã có những vi phạm như, cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động, lập văn phòng đại diện và văn phòng dự án tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy chứng nhận, cố tình làm sai lệch hồ sơ khi đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thậm chí một vài tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia một số hoạt động xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục hoặc có hoạt động nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam như tác động đòi cải cách thể chế, sửa đổi pháp luật, ra thông cáo báo chí vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền, tôn giáo, đòi trả tự do cho các đối tượng chống đối.

Còn lĩnh vực hoạt động tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam cũng đã có những sai phạm khi tổ chức hội nghị hội thảo không xin phép ý kiến Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan địa phương liên quan. “Do đó Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực hoạt động đối ngoại là 30 triệu đồng để có cơ sở xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đối ngoại”- ông Sơn nói.

Tuy nhiên, một số đại biểu tham dự phiên họp cho rằng, mức xử phạt mới mang tính ang áng rồi suy ra mức phạt, là thiếu cơ sở. Nói như ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì “Cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế và ASEAN họ xử lý vấn đề này như thế nào, vì còn liên quan đến ngoại giao. Chúng ta xử lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, vậy tổ chức của ta ra nước ngoài mà làm sai vậy chúng ta có xử phạt không?”.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận hiện đang có 2 loại ý kiến: Đồng ý và không đồng ý; do đó Ủy ban Pháp luật sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Hoài Vũ