Chính quyền làm tốt, thì không có cảnh ‘Công ty luật chạy theo DN’
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ ra một thực tế, Phòng đăng ký kinh doanh vừa đến địa chỉ mới đã có công ty luật mở ra như hàng phô tô chạy theo trường học, hàng thuốc chạy theo bệnh viện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Cải thiện vẫn là phép cộng đơn giản
Sáng 10/3, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, 4 năm qua, việc thực hiện NQ 19 đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện.
“Tuy nhiên, tốc độ triển khai còn chậm, kết quả đạt được hàng năm chỉ là phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay, chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia so với các quốc gia trong khu vực”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tuy môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với mục tiêu ASEAN 4 (khoảng thứ 43).
Ông Cung cho biết, có những thay đổi nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả xã hội lớn như Thông tư 23/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng và hàng vạn ngày công cho các DN dệt may; Quyết định 4846 bãi bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất cũng giúp DN tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng (55.000 tờ khai/năm)…
Dù vậy “cần hành động trên nhiều tuyến, cũng như sự chủ động vào cuộc người đứng đầu để cải cách có kết quả là cấp số nhân, số lũy thừa mới thành công, chứ chỉ là phép cộng nho nhỏ như hiện nay thì khó thành công”, ông Cung nói.
Đừng để Chính phủ kiến tạo nhưng cán bộ thờ ơ
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, năm 2017, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn: Hết năm 2017 đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, giai đoạn 2017-2020 cải thiện điểm số và thứ hạng trên 4 trụ cột là môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu, đổi mới sáng tạo và Chính phủ điện tử; gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.
Tuy nhiên, “nếu chỉ thực hiện theo cách truyền thống, chỉ có sự tích cực của các hiệp hội DN và cộng đồng DN, mà không có cự tích cực năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân và DN thì khó có thể đạt mục tiêu đề ra”, ông Đông nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung nói, “vẫn còn tình trạng công chức thụ động, trì trệ, rất ít đổi mới sáng tạo. “Câu trả lời thường nghe nhất về một vấn đề cụ thể, về vướng mắc của DN là “chúng tôi làm đúng quy định”, ít quan tâm đến khó khăn của DN do chính các quy định, văn bản cụ thể tạo ra. Luôn cho rằng phần đúng thuộc về cơ quan nhà nước và nếu thay đổi thì không quản lý được”, ông Cung nói.
Chính quyền né tránh
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân nhận định: NQ 19 rất chậm lan tỏa các cấp thực thi. Dù NQ 19 nêu rõ nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương.
Thời gian phản biện chính sách còn kéo dài nhiều năm bỏ yêu cầu dán nhãn năng lượng, lĩnh vực tín dụng, đất đai, nông nghiệp công nghệ cao, DN vẫn mỏi mòn kiến nghị để nhận được phúc đáp. Các Bộ, ngành rất thiếu chủ động hoặc thực hiện kém hiệu quả kiến nghị của DN khiến kiến nghị đẩy lên Thủ tướng. Nếu dư luận, báo chí không gay gắt, sự việc sẽ đi vào quên lãng.
Nhiều thủ tục không đánh giá tác động kiến DN vướng mắc mà không được điều chỉnh. Có sự tránh né của cơ quan công quyền. Đơn cử như việc ban hành quyết định thu thuế hạ tầng đối với DN tại Hải Phòng.
Cơ quan này đã không lấy ý kiến đối tượng thụ hưởng chính sách. “Muốn ban hành chính sách phải tổ chức lấy ý kiện của các cơ quan liên quan, đặc biệt là đối tượng bị tác động trên cơ sở đối thoại chứ không phải đối đầu”, ông Giám nói.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dù đã có cải thiện, nhưng thủ tục hành chính, thông quan và kiểm tra chuyên ngành rườm rà, phức tạp vẫn đang là khó khăn của DN dệt may.
Ngành dệt may có lượng xuất nhập khẩu lớn, nhập khẩu lên đến trên 1 triệu tấn bông, gần 1,7 tấn xơ sợi, hàng ngàn container hàng may mặc… khiến DN mất rất nhiều thời gian và chi phí.
Các DN phản ánh nếu mã hàng nhiều mầu, nhiều size thì biểu mấu báo cáo có thể lên đến 500. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương tối thiểu và trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn ở mức rất cao và ngày càng tăng so với khả năng chịu đựng của DN.
Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy phản ánh, Thông tư 35/2014/TT-BCT về chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đã vô tình đẩy thương nhân nhập khẩu vào tình thế phải làm trái luật vì phải hoàn tất thủ tục nhập khẩu với nước ngoài trước khi xin phép. Đây là quy trình ngược và rất nguyên tắc.
Chính phủ không “nghe để đấy”
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù cộng đồng DN đánh giá cao thủ tục đăng ký thành lập DN nhưng so với thế giới, Việt Nam vẫn đứng thứ 121 về khởi sự kinh doanh.
Hôm qua khảo sát thực tế ở Hà Nội, chúng tôi có ghi nhận tiến bộ, nhưng nhiều cán bộ kiến nghị có thể làm tốt hơn rất nhiều. “Tôi ghi nhận nỗ lực của Hà Nội trong việc tách Phòng đăng kí kinh doanh khỏi công ty tư vấn trong tòa nhà, Thế nhưng, có một thực tế, Phòng đăng kí kinh doanh mới được chuyển đến vẫn có công ty luật mở ra. Nếu làm tốt thì làm gì có công ty luật chạy theo DN như hàng phô tô chạy theo trường học như vậy”, Phó Thủ tướng nói. “Sự yếu kém kéo dài như vậy nên có một sự cải thiện là phấn khởi, nhưng đừng quên chúng ta còn rất kém”.
Tuy nhiên, cứ cải thiện tà tà như vừa rồi thì không được. Làm sao Việt Nam phải đứng thứ 50 trong bảng xếp hạng của thế giới trong thời gian rất ngắn. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có làm được không? Theo Phó Thủ tướng, nếu thực hiện tốt NQ 19 không chỉ giải quyết bức xúc trước mắt mà là giải pháp mang tính bền vững.
“Tinh thần của Chính phủ là theo các tiêu chuẩn thế giới. Giải quyết trước mắt phải tính đến lâu dài. Phải đo được, đếm được, và có giám sát được”. Điều quan trọng phải có cơ chế sao cho tiếng nói cộng đồng DN không chỉ đến Chính phủ, các cấp chính quyền mà phải được trao đi đổi lại.
Muốn làm được điều này, DN phải có lòng tin. Chính phủ thực sự muốn nghe, không phải nghe để đấy. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mong muốn DN trình bày vướng mắc, nêu rõ vướng mắc ở thủ tục hay ở người thực thi. DN không nên chỉ "kêu" mà kiến nghị sửa chính sách theo hướng nào? Nếu kiến nghị đi kèm giải pháp trúng sẽ giúp việc sửa chính sách nhanh hơn, sát thực tiễn hơn.