Vực dậy cây ngô

N.D. 12/03/2017 14:35

Ðược đánh giá là cây lương thực chính, có vị trí quan trọng thứ hai sau cây lúa, song diện tích, năng suất và sản lượng ngô của Việt Nam lại chưa phát huy được hết tiềm năng. Vụ đông là một trong những vụ có thể gia tăng sản xuất, nhưng nhiều năm trở lại đây, diện tích trồng ngô vụ đông trên đất hai vụ lúa ở các tỉnh phía bắc lại có xu hướng giảm mạnh.

Diện tích ngô vụ đông giảm mạnh

Trong giai đoạn 2009 - 2014, các tỉnh phía bắc đã giảm hàng chục nghìn héc-ta ngô vụ đông. Từ năm 2014 đến nay, tình hình sản xuất ngô vụ đông vẫn có chiều hướng suy giảm và có sự phát triển không ổn định. Tỷ lệ diện tích cây ngô ở nhiều địa phương như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Ðịnh… chỉ chiếm vài phần trăm so với diện tích đất hai vụ lúa.

Theo Quyền Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Khắc Quang, ngô vụ đông giảm do năng suất ngô vụ này vừa thấp lại thiếu ổn định, chi phí sản xuất lớn, cho nên người nông dân không thật sự mặn mà. Ngoài ra diện tích trồng ngô vụ đông giảm còn do chưa tìm được các giống ngô thích hợp cho vùng đất này như ngắn ngày, đầu vụ có thể chịu đựng được úng, cuối vụ chịu được hạn, cùng với đó là chưa có một công nghệ đồng bộ cho nông dân áp dụng.

“Vụ đông là vụ rất ngắn, nhưng nhiều địa phương không có nguồn nhân lực, phải cơ cấu bố trí mùa vụ hợp lý, có những biện pháp tranh thủ được thời vụ, đặc biệt quan trọng là tiêu thụ ngô vụ đông”, ông Quang nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá của ông Khởi, cây ngô còn kém hiệu quả so với các loại cây trồng khác, nhưng lại gặp khó khăn trong thủy lợi. Với những điều kiện như vậy, ngô vụ đông đang bị cạnh tranh bởi rất nhiều cây trồng khác.

Ở Bắc Bộ, ngoài hai vụ lúa chính là vụ đông xuân và vụ hè thu, vụ đông đang được nhiều địa phương chú trọng, coi là vụ ba để nông dân có thể gia tăng sản xuất, tăng thu nhập. Với diện tích lớn của vụ này, cây ngô có thể sản xuất đồng loạt để tăng diện tích, sản lượng.

“Hiện, chúng ta đang phải nhập khẩu ngô rất nhiều nhưng nếu nông dân sản xuất manh mún thì rất khó có thể tiêu thụ được. Chúng ta phải mở rộng diện tích trồng ngô, bằng cách là tăng diện tích ngô vụ đông. Vụ đông ở phía bắc có thể tăng gấp đôi diện tích hiện tại từ 130 nghìn ha lên hơn 200 nghìn ha”- ông Quang cho biết.

Năm 2016, Việt Nam đã phải nhập khẩu ngô ước khoảng 8,3 triệu tấn (tăng 9,5% so với năm 2015), với giá trị 1,65 tỷ USD. Trong khi sản xuất trong nước chỉ đạt 5,1 triệu tấn, chưa đáp ứng được 40% nhu cầu. Không chỉ vậy, nghịch lý ở nước ta, trong khi phải nhập khẩu nhiều thì tại những vùng sản xuất ngô lớn của cả nước như miền núi phía bắc, Ðông Nam Bộ…, việc tiêu thụ ngô lại gặp nhiều khó khăn, giá ngô tiêu thụ rất thấp, có thời điểm chưa đến 4.000 đồng/kg.

Ứng dụng công nghệ làm bầu cải tiến

Tuy nhiên, vụ đông là vụ có thời gian ngắn, do đó để sản xuất được cây vụ đông, vụ lúa hè thu phải thu hoạch trước ngày 20-9 để có đất cho cây vụ đông. Theo ông Trịnh Khắc Quang, để tiết kiệm thời gian cho vụ này, nông dân có thể ứng dụng công nghệ làm bầu cải tiến, giúp tiết kiệm được hai tuần. Việc làm bầu không phức tạp, có thể có một tổ chức chuyên làm bầu (như hợp tác xã dịch vụ) và cung cấp cho hàng trăm héc- ta.

Bên cạnh đó là làm đất tối thiểu hoặc không làm đất và yêu cầu có hệ thống thoát nước trong hệ thống đồng ruộng trên đất hai vụ lúa. Việc trồng ngô vụ đông sẽ không phải đốt rơm rạ, điều này sẽ giúp tăng độ phì nhiêu của đất và bảo đảm cây ngô giữ được nước, phân bón.

Từ năm 2014, mô hình nêu trên đã được ứng dụng tại một số địa phương như Thái Bình, Hà Nam và xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Qua mô hình, những khó khăn trong phát triển cây ngô đã dần được giải quyết, diện tích ngô tăng dần. Hiện, hầu hết các hộ dân trong xã Nam Phương Tiến đều tích cực tham gia canh tác ngô vụ đông.

Anh Tạ Văn Dũng, xã Nam Phương Tiến cho biết, trước đây, trồng ngô phải làm đất, lên luống cho nên phải mất vài ngày công, nhưng bây giờ chỉ cần đưa bầu ngô đã gieo hạt sẵn xuống nền đất ướt là xong. Bên cạnh đó, trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu này không mất nhiều công làm cỏ, chăm sóc cho nên đối với những gia đình ít người vẫn có thể trồng được ngô vụ đông.

Vẫn theo ông Trần Văn Khởi, không chỉ trồng ngô lấy hạt, ngô vụ đông có thể phát triển nhiều loại khác như: ngô nếp, ngô đường, ngô làm thức ăn xanh cho gia súc... Với sự đa dạng trong nhu cầu như vậy, sẽ có sự phát triển mối liên kết giữa nhà sản xuất và kinh doanh để vực dậy cây ngô vụ đông.

Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc dẫn dắt nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. “Chính quyền địa phương gần như đóng vai trò quyết định, bên cạnh đó là tổ chức sản xuất có hợp tác xã, sự vào cuộc của ngành nông nghiệp”, ông Khởi nói.

Trong hai năm gần đây, sản xuất ngô gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc cạnh tranh về giá. Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, việc hạn chế nhập khẩu chưa thể thực hiện được ngay, tuy nhiên từng bước thay đổi bộ giống và cải tiến canh tác và đặc biệt là đưa cơ giới hóa vào sẽ giảm được đáng kể giá thành sản xuất. Bởi, hiện nay trong sản xuất ngô, khâu làm tăng giá thành nhiều nhất chính là thu hoạch và bảo quản.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết, hiện Cục Trồng trọt đang điều chỉnh lại quy hoạch loại cây trồng này. Theo đó, vùng sản xuất ngô trọng điểm hàng hóa sẽ tập trung ở trung du miền núi phía bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên; các vùng khác như đồng bằng sông Hồng, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long chỉ là những vùng phụ trợ, khi có tiềm năng, giá ngô tăng có thể mở rộng.

Ông Trịnh Khắc Quang cho biết, sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận quy trình thâm canh ngô vụ đông không làm đất trên đất hai vụ lúa để phổ biến trong sản xuất. Từ đó, tăng cường đào tạo, tập huấn chuyển giao gói kỹ thuật trồng ngô vụ đông trên đất hai vụ lúa để cán bộ kỹ thuật và nông dân các địa phương có thể tiếp nhận và làm chủ công nghệ trong sản xuất.

Trong thời gian tới, những gói kỹ thuật này sẽ được chuyển giao rộng hơn cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, góp phần đưa cây ngô vụ đông của miền bắc phát triển.

N.D.