Đối diện với chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngày 10/3, phát biểu tại Hội thảo tự do thương mại - Cơ hội và thách thức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Arnoud De Meyer, Chủ tịch Đại học Quản lý Singapore cho rằng tự do thương mại đang hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy của xu hướng hội nhập kinh tế. Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn của giới chuyên gia.
Hầu hết doanh nghiệp dệt may Việt Nam hoạt động rải rác theo quy mô nhỏ, nguyên liệu nhập khẩu chiếm 60 - 80%. ảnh: TL.
Tỷ lệ tham gia chuỗi cung ứng ở mức thấp
Thông tin tại Hội thảo cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt rất đông song đến thời điểm này, nếu “điểm mặt” để tìm ra một sản phẩm “made in Viet Nam” 100% hoàn toàn không dễ. Dù cố gắng đến mấy tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong sản phẩm đạt khoảng 40 - 50%, thậm chí có những mặt hàng tỷ lệ này chỉ dừng lại ở mức 1-4%.
Điển hình, khoảng 15 năm gần đây ngành nhựa Việt Nam phát triển với tốc độ cao, tăng trưởng bình quân 15 - 20% năm. Dù thế thì ngành nhựa vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, trong đó thách thức hiện nay là công nghiệp hỗ trợ cho ngành chưa phát triển chỉ đạt khoảng 33%, trong khi mức trung bình của các nước là từ 44%.
Đối với ngành dệt may, dù xuất khẩu 85% lượng sản phẩm nhưng hầu hết doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam hoạt động rải rác theo quy mô nhỏ, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ lệ 60 - 80%. Yếu kém của ngành này còn thể hiện rõ, DN may chủ yếu gia công hoặc sản xuất theo chỉ định của các DN nước ngoài nên không thể quyết định nguyên liệu sản xuất.
Thứ hai, công nghệ trong nước lạc hậu, mẫu mã nghèo nàn, đa phần nhận thiết kế rồi mới làm. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm không đáp ứng nhu cầu khách hàng nên không thể cạnh tranh.
Không thật sự lạc quan về những triển vọng phát triển của ngành, ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cho rằng, mặc dù gần 50% nguyên liệu cho ngành được nội địa hóa song khả năng tham gia vào trong chuỗi giá trị toàn cầu của doành nghiêp còn hạn chế. Chuỗi giá trị thời trang toàn cầu gồm 4 phân khúc: nghiên cứu phát triển - marketing, chuẩn bị điều kiện đầu vào cho sản xuất, tổ chức sản xuất (con người, máy móc thiết bị, nhà xưởng) và phân phối.
Trong các phân khúc này, DN trong nước chỉ làm được ở phân khúc tổ chức sản xuất nên tính cạnh tranh kém và sẽ khó tận dụng được cơ hội để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Không kém phần yếu kém như các ngành khác, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam luôn đứng ở tốp đầu các nước về sản lượng. Tuy nhiên xét về giá trị, lúa gạo của Việt Nam luôn ở mức thấp.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giá gạo Việt Nam luôn đứng trong “vùng trũng” của giá trị vì chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu vì không có chuẩn chung, cho nên câu chuyện thâm nhập vào thị trường cao cấp, thị trường khó tính trở thành vấn đề cực khó khăn của ngành này.
Mặc dù gần 50% nguyên liệu cho ngành được nội địa hóa song khả năng tham gia vào trong chuỗi giá trị toàn cầu của doành nghiêp còn hạn chế.
Liên kết và thay đổi chiến lược
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn đứng vững và phát triển ổn định trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi DN Việt phải liên kết kinh doanh góp phần tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng nhằm cải thiện sức cạnh tranh.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa- Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, trong 4 khu vực kinh tế hiện nay thì khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng đầu về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, khoảng 3/4.
Trong khi đó, DN tư nhân của Việt Nam đông nhưng yếu nên không thể phát triển mở rộng thị trường, đặc biệt việc tham vọng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành bài toán khó. Bởi vì, nhìn vào thực tế nền kinh tế Việt Nam không lĩnh vực nào có kế hoạch tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, kể cả những ngành nghề nổi tiếng là ngành xuất khẩu mang tính chủ đạo như dệt may, da giày, xuất khẩu lúa gạo,…
Theo ông Nghĩa, chuỗi cung ứng nông nghiệp đang đòi hỏi DN chế biến, xuất khẩu nông sản phải liên kết dọc với người sản xuất theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn theo quy trình khép kín. Trong đó, tập trung mạnh vào cơ giới hóa và áp dụng tốt công nghệ hiện đại tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn chất lượng trong nước, thậm chí là chuẩn thế giới.
Theo GS Shantanaru Bhattacharya- Đại học Quản lý Singapore, trong giai đoạn 2006 - 2010 khu vực châu Á đã có sự bùng nổ về sản xuất công nghiệp theo hướng dịch chuyển quy trình sản xuất sản phẩm đồng nhất với số lượng lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Các nhà cung ứng địa phương đã tập trung vào sản xuất những sản phẩm đồng nhất với số lượng lớn để cung cấp cho doanh nghiệp lớn hơn và tiếp tục phát triển quy mô sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là mô hình phổ biến của các nước phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… trong thời gian qua.
Từ mô hình trên cho thấy, DN cung ứng Việt Nam muốn vươn lên trở thành nhà cung ứng toàn cầu phải làm tốt việc sáng tạo ra quy trình sản xuất, tập trung vào chất lượng để sản xuất ra sản phẩm đồng nhất về tiêu chuẩn, chất lượng. Đồng thời, phải phát triển khả năng dịch chuyển từ sản phẩm giá trị thấp sang sản phẩm giá trị cao. Nếu làm được điều này doanh nghiệp không chỉ đứng vững ở thị trường xuất khẩu mà còn phát triển ở thị trường nội địa.
Trước tình hình mới của hội nhập kinh tế chung giới chuyên gia nhận định, hội nhập không bắt đầu ở đâu xa xôi. Hội nhập phải bắt đầu ngay nội tại của Việt Nam. DN phải chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới quản lý theo hướng hiện đại, mạnh danh thâm nhập thị trường các nước bằng cách cung cấp các sản phẩm mà thị trường cần theo tính dây chuyền, thay vì gia công và nhỏ lẻ.
Ông Bùi Quang Vinh- nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, khả năng phát triển thị trường của DN không bài bản, thiếu sự sáng tạo. DN muốn chiếm lĩnh thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần liên kết sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Và muốn vậy, DN phải làm chủ công nghệ, trong đó chủ động nắm bắt được những công nghệ trong lĩnh vực của mình, nhất là khi cuộc cạnh tranh tự do hóa thương mại sẽ ngày càng khốc liệt.