Áp lực nghề giữ rừng

Phạm Hưởng 11/03/2017 09:00

Lâu nay, câu chuyện giữ rừng ở các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, các đơn vị được Nhà nước giao rừng để quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh lâm nghiệp (gọi chung là đơn vị chủ rừng) đang hết sức gian nan. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 44 đã phần nào tăng thêm quyền hạn, giải quyết những thiệt thòi cho các chủ rừng.

Tuần tra quản lí, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, để các chủ rừng thật sự yêu rừng, tâm huyết với nghề, tránh tư tưởng tơ hào thì cần thiết phải có cơ chế, chính sách điều chỉnh hợp lí, đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi cho các đơn vị chủ rừng.

Quyết định 44/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 16/10/2016, quy định về tổ chức lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và chế độ đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách do chủ rừng thành lập và quản lý trực tiếp; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan kiểm lâm sở tại.

Nếu trước đây, nhìn ở góc độ pháp lý, dù gọi là lực lượng quản lý bảo vệ rừng nhưng họ khác hoàn toàn so với kiểm lâm, các chủ rừng chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp được Nhà nước thuê để bảo vệ rừng, quyền hạn cũng như công cụ hỗ trợ gần như rất ít. Dưới áp lực phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy ngày càng gia tăng như hiện nay thì lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng đang phải chịu rất nhiều áp lực, khó khăn, thậm chí là hi sinh khi thực thi nhiệm vụ.

Ví như, vụ việc vừa xảy ra tại Ban QLRPH Đông Bắc Chư Păh, huyện Chư Păh(Gia Lai), đã có 7 cán bộ giữ rừng bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách chỉ vì mất 45 lóng gỗ mà bịa ra chuyện bị lâm tặc nổ súng cướp gỗ. Dù thế nào, đó cũng là hành vi đáng bị chê trách, lên án, cần xử lí nghiêm minh nhưng nhìn sâu xa hành vi đó lại phát xuất từ chính áp lực, trách nhiệm giữ rừng.

Ông Đinh Mạnh Phong, Giám đốc Ban QLRPH Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai) ví von rằng, mình đi giữ rừng mà chẳng khác gì ông nông dân, trang phục không có, lương thì thấp, áp lực thì lớn, trong khi đó công cụ hỗ trợ chỉ có bình xịt hơi cay, gậy tự chế. Quyết định 44 có hiệu lực thì chủ rừng được quyền lập biên bản hành vi vi phạm, sử dụng công cụ hỗ trợ, được cấp trang phục riêng đó là một tín hiệu vui với các đơn vị chủ rừng.

Tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lí bảo vệ rừng. Như lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được biên chế tại các đơn vị chủ rừng hiện nay lại quá ít, bình quân một người quản lí khoảng 1.000ha rừng, trong khi mức lương chi trả, phụ cấp hàng tháng không đủ tiền mua xăng xe để tuần tra, chứ chưa nói đến việc túc trực hàng ngày.

Mặt khác, việc giao khoán rừng cho người dân tại chỗ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi người dân không còn mặn mà khi giá tiền giao khoán quá thấp, hơn nữa họ cũng có tâm lí lo sợ mất rừng.

Ông Hoàng Thi Thơ - Giám đốc Ban QLRPH Nam Sông Ba, huyện Krông Pa(Gia Lai) cho biết, quy định bình quân mỗi hộ nhận khoán không quá 30ha, chi trả phí bình quân 260 ngàn đồng/ha/năm, chia đều bình quân mỗi tháng một hộ dân chỉ nhận khoảng 75 ngàn đồng để bảo vệ khoảng 30ha rừng, số tiền này mới đủ đổ một bình xăng xe máy. Trong khi đó, Nhà nước không thể bỏ tiền ngân sách ra giao khoán bảo vệ rừng nên nhiều nơi cán bộ bảo vệ rừng buông lỏng công tác quản lí hoặc tiếp tay cho lâm tặc để trục lợi cá nhân.

Vì vậy, để người giữ rừng bảo vệ rừng thật sự yêu rừng, tâm huyết với nghề thì cần thiết phải có cơ chế, chính sách điều chỉnh hợp lí, đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi cho các đơn vị chủ rừng. Đồng thời giải quyết triệt để những mâu thuẫn phát sinh gay gắt giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và không gian sinh sống của cộng đồng dân cư tại các địa phương.

Phạm Hưởng