Lo với tuyển thẳng
Được coi là hình thức tuyển sinh “cao cấp” chỉ dành riêng cho những thí sinh có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc, được hưởng chế độ ưu tiên đặc biệt, tuyển thẳng vào đại học giúp các thí sinh không cần phải thực hiện các bài thi như thông thường.
Tuy nhiên, trong kỳ tuyển sinh năm 2017 này, theo nhiều quy chế của các trường được công bố, việc tuyển thẳng xuất hiện rất nhiều, tràn lan và điều kiện hết sức lỏng lẻo. Thậm chí có người còn lo ngại cả những thí sinh kém chất lượng cũng được… tuyển thẳng vì quy định rất dễ dãi!
Có một thực tế là số lượng thí sinh được tuyển thẳng qua cánh cổng đại học đang ngày một nhiều. Thay vì chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay có trường đại học danh tiếng đã dành tới tận 2.000 chỉ tiêu cho các thí sinh được tuyển thẳng.
Và nếu như trước kia, chỉ những học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hay thành tích cực kỳ đặc biệt thì nay, để được tuyển thẳng chỉ cần hạnh kiểm tốt, điểm tổng kết của 3 năm học THPT giỏi và đậu… tốt nghiệp THPT. Thậm chí nhiều trường chỉ cần thí sinh có những chứng chỉ tiếng anh nào đó cần thiết cũng được tuyển thẳng.
Hay đơn giản hơn, có trường chỉ cần viết một tờ biên bản cảm nhận về trường, ngành học nào đó, cộng thêm việc tốt nghiệp THPT cũng đủ điều kiện để…tuyển thẳng!
Chính vì điều kiện tuyển thẳng quá lỏng lẻo, nếu không muốn nói là cực kỳ dễ dàng như vậy khiến nhiều người cho rằng đang có tình trạng buông lỏng, mất kiểm soát chất lượng đầu vào đại học. Thay vì phải trải qua một kỳ sát hạch cực kỳ cam go, khó khăn thì những điều kiện để tuyển thẳng như một cách để “vớt” thí sinh.
Được biết, mặc dù hiện nay quy chế tuyển thẳng vào đại học, cũng như việc ưu tiên cộng điểm khi xét tuyển của Bộ GD&ĐT là hết sức ngặt nghèo, chỉ dành riêng cho những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng các trường đại học, vì lý do thu hút thí sinh đã “lách luật” tự đặt ra các quy chế để thoải mái tuyển thẳng các thí sinh này mà không có bất cứ quy trình nào kiểm tra, đánh giá chất lượng của thí sinh.
Có thể nói, song song với việc siết chặt thi tốt nghiệp THPT thì nhiều trường đã buông lỏng quy chế tuyển thẳng. Điều này dẫn đến nhiều hệ luy tiêu cực như chất lượng đầu vào kém.
Thậm chí những thí sinh có điểm thi kém, nhưng lại đủ điều kiện với quy chế tuyển thẳng vẫn nghiễm nhiên bước vào cánh cổng đại học. Thậm chí nhiều chuyên gia còn cho rằng, vì lượng thí sinh tuyển thẳng quá nhiều, diễn ra ở hầu hết các trường đã vô tình làm tăng lượng thí sinh ảo ở mỗi đợt tuyển sinh.
Theo đó, thí sinh vừa làm hồ sơ xét tuyển vừa làm hồ sơ đề nghị tuyển thẳng khiến các trường như mắc kẹt với yêu cầu của thí sinh.