Hiệu quả giảm nghèo bền vững từ sự hỗ trợ của Dự án PRPP

Hữu Bắc 11/03/2017 07:13

Dự án “Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững (2011-2020) và Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững (2012-2015)” (PRPP) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Ai Len (IA) hỗ trợ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã lựa chọn 8 tỉnh để triển khai là Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh. Những đóng góp của PRPP cho mục tiêu giảm nghèo nhanh tại các vùng dân tộc thiểu

Phụ nữ đã được ghi nhận là một trong các đối tượng hưởng lợi của Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Vượt chỉ tiêu đề ra

Theo kết quả báo cáo đánh giá cuối kỳ, PRPP đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra, được các đối tác ở Trung ương và địa phương đánh giá cao, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh (4%/năm) và bền vững tại các vùng nghèo nhất.

Trong những năm qua, Văn phòng PRPP, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tài trợ (UNDP và Đại sứ quán Ailen) và các cơ quan thụ hưởng như Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan của Quốc hội và 8 tỉnh triển khai Dự án, trong đó nổi bật là tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân - đặc biệt người nghèo; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sáng tạo, mô hình trọn gói trong giảm nghèo, phát huy vai trò cộng đồng, tự lực, tự cường của người dân khi triển khai cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên cơ sở đó tổng hợp các cách làm hay, đúc rút thành các bài học kinh nghiệm để thể chế hóa, nhân rộng áp dụng trên địa bàn các địa phương cũng như cả nước. Đặc biệt, cung cấp các minh chứng thực tế cho các cơ quan trung ương nghiên cứu ban hành chính sách và xây dựng, thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở này, PRPP đã triển khai tổng số 566 nhóm hoạt động từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, thôn bản; 90 báo cáo nghiên cứu, ấn phẩm; tổ chức 192 hội thảo, đối thoại, tham vấn, tập huấn nâng cao năng lực; rà soát 168 chính sách, văn bản liên quan đến giảm nghèo; nghiên cứu, thử nghiệm, đúc kết và trình các cấp có thẩm quyền ban hành mới 52 văn bản, trong đó có 28 văn bản ban hành ở cấp trung ương, 24 văn bản được ban hành ở cấp tỉnh và 8 văn bản đã hoàn thiện đang trình phê duyệt.

Đặc biệt, PRPP đã hỗ trợ, đăng tải 128 tác phẩm báo chí trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết nối và điều phối hoạt động với 158 cơ quan đối tác và chuyên gia tư vấn ở cấp quốc gia và địa phương… với tổng số 48.031 người được hưởng lợi trực tiếp từ PRPP, trong đó 22.566 nam và 25.475 nữ; số người hưởng lợi gián tiếp khoảng 25 triệu người.

Điển hình là Dự án đã hỗ trợ xây dựng Nghị quyết 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 về phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020​, Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Các văn bản quy phạm do PRPP hỗ trợ, ban hành đều được nghiên cứu, thử nghiệm không chỉ giới hạn ở phạm vi mà Dự án đã hỗ trợ mà còn đảm bảo tính bền vững, lan tỏa và tạo ra những đổi mới căn bản và phù hợp với định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2012-2015 cũng như tiếp nối giai đoạn 2016-2020, đưa công tác giảm nghèo trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương; rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo; thúc đẩy sự tham gia, phát huy nội lực, tính tự chủ của cộng đồng, người dân, lồng ghép giới và ưu tiên phát triển DTTS trong giảm nghèo...

Với những đổi mới rõ nét, phù hợp với bối cảnh và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể đạt các mục tiêu giảm nghèo đã đề ra, hoạt động hỗ trợ của PRPP còn thể hiện qua tiến trình nghiên cứu và xây dựng văn bản đã phát huy tối đa sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm từ bản thân các chuyên gia, cán bộ đến cả các cơ quan trung ương, địa phương, người dân, các tổ chức chính trị, xã hội và quốc tế.

Các bài học kinh nghiệm trong giảm nghèo, các quan điểm đa chiều và các phương pháp tiếp cận khác nhau đều được phân tích, thảo luận, đối thoại, chia sẻ, đúc kết góp phần quan trọng trong việc rà soát, tích hợp chính sách và hỗ trợ các Bộ, ban ngành liên quan thực hiện tốt việc lồng ghép giảm nghèo trong các chiến lược, hoạt động của mỗi ngành, địa phương…

Hướng tới phát triển bền vững

Trong thời gian 4 năm, Dự án đã đóng góp nhất định cho thành công của sự nghiệp giảm nghèo và mang lại nhiều đổi mới làm cơ sở cho công cuộc giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thể hiện ở những điểm sau:

Dự án đã hỗ trợ đổi mới phương pháp đo lường nghèo từ “đơn chiều” sang “đa chiều”. Đây là đổi mới quan trọng đối với công tác giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đã nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, nên những thiếu hụt của người nghèo ngày càng phân hóa phức tạp.

Phương pháp đo lường nghèo đa chiều không chỉ tập trung vào đo thu nhập, mà còn đo được sự thiếu hụt về các khía cạnh khác như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường và thông tin.

Đây là những chiều đảm bảo người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Cách đo lường nghèo đa chiều như vậy sẽ giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về tình trạng nghèo của các hộ gia đình, từ đó có những chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả và bền vững hơn.

PRPP đã hỗ trợ rà soát, đánh giá và tích hợp hệ thống chính sách giảm nghèo ở mức tối đa, hệ thống chính sách đã giảm được sự chồng chéo, manh mún, thiếu nhất quán của các văn bản, từ đó đảm bảo phát huy tốt hơn hiệu quả sử dụng vốn, tăng hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả tác động của công tác giảm nghèo ở cấp cơ sở.

Lần đầu tiên trong giảm nghèo, cơ chế hỗ trợ tài chính trọn gói cho xã và cộng đồng được thể chế hóa thành chiến lược và chính sách giảm nghèo ở cấp quốc gia. Đặc biệt, xã và cộng đồng được phân bổ ngân sách trung hạn (3-5 năm) và lập kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 2016-2020.

Tiếp đó, các nguyên tắc tiếp cận khác trong phát triển bền vững, nhằm phát huy kiến thức bản địa, đảm bảo tính phù hợp của hoạt động giảm nghèo với điều kiện địa phương, với phong tục tập quán của người dân, cộng đồng các DTTS…

Tại các tỉnh, dự án PRPP đã hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho cả cán bộ và người dân; thử nghiệm các mô hình giảm nghèo sáng tạo, trên cơ sở đó thể chế hóa thành văn bản pháp quy áp dụng trên toàn quốc, góp phần thúc đẩy các nguyên tắc: phân cấp trao quyền cho cấp cơ sở, áp dụng cơ chế hỗ trợ trọn gói; tăng cường sự tham gia của người dân; tăng cường tính minh bạch, đối thoại chính sách trong giảm nghèo; lập kế hoạch giảm nghèo có sự tham gia, gắn với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép giới, tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động giảm nghèo, phát triển cộng đồng được quy định trong Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2016-2020, đã được Thủ tướng phê duyệt.

Các mô hình giảm nghèo với tiêu chí “cộng đồng mới phát triển toàn diện và bền vững” (ISNC). Đây là mô hình nhằm phát huy nội lực của cộng đồng nghèo, cộng đồng DTTS, coi “cộng đồng nghèo, cộng đồng DTTS là các đối tác trong giảm nghèo chứ không phải là người hưởng lợi một cách thụ động”.

Từ mô hình này của Dự án PRPP, trong hai Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã thể hiện rất rõ nét phương pháp tiến cận này.

Vấn đề giới được quan tâm, các chương trình hành động được lồng ghép chi tiết trong chiến lược giảm nghèo và phát triển bền vững cho các cộng đồng DTTS.

Phụ nữ đã được ghi nhận là một trong các đối tượng hưởng lợi của Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, chỉ tiêu “nâng cao vị thế của phụ nữ” được đưa vào bộ chỉ tiêu về Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ gắn với Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ cho cộng đồng DTTS đến năm 2025.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết dự án, đại diện một số cơ quan cho rằng, mặc dù Dự án đã kết thúc song trong thời gian tới, đề nghị UNDP và Ai Len tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề xã hội, trong đó có lĩnh vực giảm nghèo, cụ thể là hỗ trợ Bộ LĐTB&XH, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan sắp xếp, tích hợp hệ thống chính sách giảm nghèo đa chiều trong sự hài hòa với các chính sách trợ giúp xã hội và phát triển dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ thực hiện Đề án đo nghèo đa chiều phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu hướng quốc tế, ứng phó hiệu quả với các thách thức về nghèo dân tộc thiểu số, già hóa dân số và biến đổi khí hậu. Hỗ trợ nâng cao năng lực, đặc biệt cho cán bộ cơ sở để đáp ứng nhu cầu đổi mới của cơ chế hỗ trợ trọn gói, phân cấp trao quyền cho địa phương và phát huy vai trò, nội lực cộng đồng, phát triển sản xuất gắn với thị trường...

Hữu Bắc