Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 84 của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW)

PV 11/03/2017 10:22

Từ ngày 7-10/3, tại thành phố La Hay (Hà Lan) đã diễn ra Phiên họp lần thứ 84 của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) với sự tham dự của Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc OPCW, lãnh đạo các bộ phận chuyên môn của OPCW cùng hơn 300 đại biểu của các quốc gia thành viên.

Đại sứ Ngô Thị Hòa tham dự phiên họp.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Ngô Thị Hòa, Đại diện Thường trực Việt Nam tại OPCW kiêm Đại diện tại Hội đồng Chấp hành dẫn đầu đã tham gia kỳ họp.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc OPCW Ahmet Üzümcü khẳng định năm 2016 vừa qua, tiến trình giải trừ vũ khí hóa học (VKHH) trên thế giới tiếp tục đạt được những tiến bộ khả quan như đã tiêu hủy 94,3% số VKHH loại I thuộc diện đã khai báo, đa số các nước thành viên đều thực hiện đúng nghĩa vụ của Công ước cấm VKHH (gọi tắt là CWC), đồng thời tiến trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hóa chất có nhiều tiến triển tích cực.

Ông Üzümcü cho biết trong năm 2017, OPCW sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tổ chức này và mong muốn các quốc gia thành viên quan tâm, hưởng ứng sự kiện bằng những hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.

Thời gian qua, thực hiện đường lối đối ngoại tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Việt Nam đã ứng cử và trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành OPCW nhiệm kỳ 2016-2018.

Đây là một trong bốn cơ quan chính của OPCW (ngoài Hội nghị toàn thể các quốc gia thành viên, Ban Thư ký và một số bộ phận trực thuộc), gồm 41 thành viên đến từ khắp các châu lục, có thẩm quyền quyết định tiến hành các biện pháp cần thiết trong trường hợp quốc gia thành viên không tuân thủ CWC, xem xét trình Hội nghị toàn thể các quốc gia thành viên phê duyệt ngân sách, chương trình hoạt động hàng năm của OPCW, phê duyệt chức vụ Tổng Giám đốc OPCW cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.

Trong quá trình tham gia của mình, Việt Nam luôn tích cực phối hợp cùng các nước thành viên khác đề cao ý nghĩa và sự cần thiết phải loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung và VKHH nói riêng trên thế giới, ủng hộ việc tuân thủ CWC và công việc của OPCW, lên án mọi hành động sử dụng VKHH, đồng thời cần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong việc phát triển công nghiệp hóa chất vì mục đích hòa bình.

PV