Khoán xe công và hiệu ứng xã hội
Trong khi cơ quan quản lý đang nỗ lực tiết kiệm chi phí thông qua việc cắt giảm xe công, đề xuất khoán xe công..., thì thông tin một số địa phương nhận quà biếu, tặng là xe ôtô đắt tiền khiến dư luận rất băn khoăn. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã có cuộc trò chuyện với PV Đại Đoàn Kết.
Ông Trần Đức Thắng.
PV: Thưa ông, thời gian qua có việc doanh nghiệp tặng xe cho địa phương, trong đó có Đà Nẵng, Cà Mau, Nghệ An. Theo ông, việc biếu tặng và nhận biếu tặng như vậy có hợp lý không?
Ông Trần Đức Thắng: Việc này đã được pháp luật quy định. Cụ thể là Quyết định 64/2007/TTg, Thủ tướng ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà, quà tặng của cán bộ công chức viên chức. Gần đây phát sinh câu chuyện xe ôtô.
Quy định chung trong Quyết định 64 đã có, nếu việc tặng ôtô đó gắn với các điều kiện không liên quan đến quyền lợi thì được nhận. Nhận rồi lại phải sử dụng theo quy định tiêu chuẩn định mức.
Nếu quá định mức sẽ áp theo Mục 3 Chương 2 để xử lý bằng cách bán hoặc nộp vào ngân sách. Quy định của pháp luật là vậy. Tất cả các bộ ngành, địa phương, đơn vị tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, trên cơ sở của Quyết định 64.
Nhưng thưa ông, việc nhận ôtô tiền tỷ thì có phải báo cáo Bộ Tài chính không?
- Quy định đã có nên tất cả các bộ ngành địa phương, đơn vị tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về vấn đề nhận quà của mình. Các địa phương cũng không cần phải báo cáo. Nếu ôtô là tài sản công thì sẽ nhập vào dữ liệu quốc gia về tài sản.
Theo ông có cần thêm cơ chế quản lý với xe biếu tặng hay không?
- Chúng tôi ghi nhận ý kiến này. Quyết định 64 cũng do Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành và thực hiện 10 năm rồi. Đối với những tài sản đặc biệt lớn hoặc đối tượng cho tặng khá nhạy cảm thì phải báo cáo cấp nào đó có thẩm quyền xem xét theo quy định, chứ không thể để đơn vị tự quyết.
Thưa ông, đến nay Bộ Tài chính đã chính thức thực hiện khoán xe công tới từng chức danh. Ông có thể đánh giá hiệu quả về hoạt động này?
- Theo đánh giá của chúng tôi, việc khoán xe công đến nay đã có động thái tích cực. Trước đây do những quy định khoán tự nguyện nên ít người áp dụng, không có cơ sở để kiểm chứng chính sách, nhưng nay thì khác do quy định rất cụ thể.
Cũng cần nói rằng, qua việc này thấy sự quyết liệt của Bộ Tài chính, việc khoán xe công với các đồng chí Thứ trưởng đã mang lại hiệu ứng tích cực, tạo dư luận xã hội tốt.
Và lần này trong Dự thảo sửa đổi Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công sẽ tiến tới bắt buộc.
Và Bộ Tài chính vẫn là đơn vị đi đầu trong quản lý xe tập trung. Ví dụ Cục Quản lý công sản được bố trí xe nhưng thời gian tới đây sẽ tập trung hết về đoàn xe, tập trung hết cả lái xe và đoàn xe để quản lý và điều chỉnh định mức theo quy định mới, giảm đi cho phù hợp.
Theo Tờ trình, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hai phương án về nguyên tắc xác định mức khoán kinh phí. Trong đó có phương án mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán thực hiện theo hai lựa chọn: Thứ nhất, đơn giá khoán là 16.000 đồng/km; được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Thứ hai, đơn giá khoán được xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương. Giá khoán 16.000 đồng/km có hợp lý không vì cao hơn cả giá taxi?
- Giá khoán xe công 16.000 đồng/km cao hơn taxi là đúng. Hiện nay, giá taxi thấp chỉ 7.000 - 8.000 đồng/km, cao thì 12.000 đồng/km. Ở đây tính 16.000đồng/km là theo tiêu chuẩn xe.
Xe giá trị 1,1 tỷ đồng, 920 triệu đồng, 720 triệu đồng thì dự tính đưa ra phương án là 16.000 đồng/km. 16.000 đồng/km nhìn vào thì tưởng thoáng, nhưng với tổng mức khoán 320 triệu đồng/năm thì ta chỉ mất một nửa.
Như vậy cả Nhà nước và người nhận khoán đều được hưởng lợi. Khi chúng ta đã đưa vào quy định thì sức sống của quy định đó phải có thời gian. Nếu ta quy định giá mức khoán là 12.000 đồng/km thì nếu sang năm giá xăng, dầu tăng lên 100 USD/thùng thì lại phải sửa Nghị định. Tất nhiên điều này còn phải tiếp tục nghiên cứu xem chốt phương án nào.
Vậy còn phương án thực hiện khoán kinh phí trọn gói với mức 6.500.000 đồng/tháng; mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Tại sao lại là con số 6.500.000 đồng chứ không phải là một con số nào khác?
- Đây là kiểm chứng từ thực tiễn. Bộ Tài chính vừa rồi khoán cao thì 10.000 triệu đồng/tháng, thấp thì hơn 2-3 triệu đồng/tháng. Vậy thì trước mắt chúng ta đưa ra con số tính bình quân, cũng có tính nhẩm khoảng cách từ cơ quan đến nhà riêng. Cũng đã đi tìm hiểu thực tế để đưa ra mức 6.500.000 đồng là tương đối phù hợp…
Bộ Tài chính đề xuất khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón, nhưng tại sao Bộ Tài chính không đề nghị khoán luôn cả kinh phí sử dụng xe đi công tác?
- Điều này chúng tôi cũng đã tính toán. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng khoán tự nguyện, ai đăng ký khoán thì nhận kinh phí, ai không đăng ký vẫn được đưa đón toàn bộ. Nếu có thể áp dụng khoán bắt buộc với kinh phí sử dụng xe đưa đón với các chức danh từ Thứ trưởng và tương đương trở xuống đã là một bước tiến lớn, góp phần giảm khoảng 700 đầu xe công.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chính sách nào cũng có lý lẽ của nó. Việc Nhà nước cho phép các đồng chí đó hưởng chế độ sử dụng xe nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc phục vụ nhiệm vụ chính trị chung, nhằm đảm bảo an toàn.
Do đó chúng ta không thể bắt buộc khoán cả phần kinh phí sử dụng xe ôtô đi công tác được mà vẫn trên tinh thần tự nguyện. Nếu đồng chí nào có phương tiện cá nhân hoặc thuê xe dịch vụ thì có thể tự nguyện đăng ký nhận khoán. Còn lại, chúng ta vẫn cần duy trì một lượng xe phục vụ công tác chung nhất định để đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc.
Việc bắt buộc khoán kinh phí đưa đón cũng là một bước thăm dò thực tế để chúng tôi có cơ sở triển khai các bước tiếp theo nếu thấy hợp lý.
Trân trọng cảm ơn ông!