Tìm hiểu kỹ khi lựa chọn ngành nghề
Hàng triệu thí sinh trên cả nước sắp bước vào đợt đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Mặc dù cơ hội vào các trường đại học năm nay được cho là thoáng hơn, thí sinh đã quan tâm đến nghề nghiệp so với năm trước và cũng nắm kỹ hơn các thông tin về tuyển sinh, tuy nhiên, vẫn còn một số thí sinh lúng túng chưa chọn được môn thi, ngành nghề phù hợp. Chưa kể, có em còn lựa chọn dựa trên cảm tính, dễ mắc sai lầm.
Chọn ngành khi thi vào đại học là việc hết sức hệ trọng.
Hướng nghiệp không phù hợp dễ xác định sai ngành học
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong đó, nhiều người đang phải cất đi tấm bằng đại học để chuyển sang học nghề...
Một trong những nguyên nhân chính là do việc hướng nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học. Bởi vậy Bộ đã yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh để cung cấp thông tin cho thí sinh. Một trong các nội dung của đề án này là thông tin tỷ lệ việc làm của hai năm trước cho đến giờ là bao nhiêu. Đó sẽ là thông tin tham khảo hữu ích, để các em lựa chọn được trường phù hợp, sau này ra trường có cơ hội việc làm cao.
Trong buổi tư vấn hướng nghiệp mới đây tại Hà Nội, với vai trò là chuyên gia hướng nghiệp, TS Phạm Mạnh Hà- Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam khuyên, năm nay cơ hội vào ĐH rộng mở nhưng nếu các em chỉ chọn để đỗ ĐH, rất có nguy cơ vào trường mình không thích.
Vì thế, học sinh hãy nên chọn những ngành mình mong muốn, sau đó sắp xếp các trường đào tạo những ngành đó theo uy tín, dựa trên bảng xếp hạng, thời gian thành lập, chuyên ngành đó có là chủ chốt hay không. Trên cơ sở đó, các bạn lựa chọn theo phổ điểm để cơ hội trúng tuyển đúng nghề sẽ cao hơn.
Theo TS Hà, thí sinh chủ yếu là chọn ngành, chọn trường dự thi dựa trên năng lực của bản thân. Điều này đến 70% là sai lầm, bởi năng lực của bản thân khác hẳn với năng lực của nghề nghiệp.
Để xác định việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, TS. Hà khuyên thí sinh nên dựa trên 3 yếu tố: Thứ nhất, thí sinh căn cứ vào giá trị nghề, yếu tố của nghề; Không nên chú ý đến yếu tố kinh tế, tiền lương khi ra trường; Không nên thấy ngành nào dễ thất nghiệp mà bỏ qua, vì giai đoạn khi ra trường sẽ khác so với hiện tại.
Thứ hai, thí sinh cần căn cứ vào môi trường làm việc, những đòi hỏi khác nhau đối với công việc mình sẽ làm trong tương lai. Đây là cách để mở rộng thêm cơ hội lựa chọn cho bản thân. Thứ ba, thí sinh căn cứ vào môi trường sống, tính cách, năng lực nghề nghiệp, năng lựchọc tập của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Ở vị trí của người đồng hành cùng học sinh, ông Nguyễn Tùng Lâm- Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, sau khi tổ chức kiểm tra học kỳ II và sau cuộc khảo sát đối với học sinh của Hà Nội vào tháng 3 này, nhà trường sẽ tư vấn hướng nghiệp cho các em.
Với việc lựa chọn nghề, các em cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng: Thứ nhất cần nắm bắt được nhu cầu xã hội, xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong những năm tới.
Thứ hai là năng lực, sở trường của mình có đáp ứng ngành nghề đó không. Thứ ba là ngành nghề đó có đúng với những hoài bão, ước mơ của mình hay không? Nếu các em chọn đúng thì cơ hội phát triển nghề nghiệp cao, dễ thành công.
Cùng với đó, các chuyên gia hướng nghiệp cũng khuyên thí sinh cần xác định được cá tính, đam mê của mình và chỉ nên chọn 2 - 3 ngành nghề để tập trung hướng nghiệp. Bởi không phải cứ đỗ trường nào là vào đại trường đó, để rồi rất có thể sau một thời gian lại bỏ ngang sẽ rất lãng phí.
Tham dự những buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp nhận thấy, ngoài số ít em còn mơ hồ với định hướng tương lai, mối quan tâm đối với phần đông thí sinh dự thi là làm thế nào để xác định được ngành nghề phù hợp, có nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Có em như Thu Hằng- học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) thì băn khoăn: Sở trường của em là các môn xã hội và muốn thi ngành xã hội học, nhưng em sợ khó tìm việc nên có lẽ sẽ theo học tự nhiên để có cơ hội việc làm nhiều hơn. Đây cũng là băn khoăn của nhiều em.
Về vấn đề này, ông Lê Trọng Vinh- Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, tỷ lệ có việc làm không phân biệt nhóm ngành nào mà phụ thuộc vào năng lực sở trường từng người.
Theo thống kê của nhà trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 3 năm gần đây của nhiều ngành đều ở mức 90 - 100%. Theo ông Vinh, trong thị trường lao động giao thoa như hiện nay, sự cạnh tranh nguồn lao động tăng cao và yêu cầu lao động phải có chất lượng”.
Cần đào tạo sát nhu cầu thực tế
Ông Bùi Xuân Tiến- Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐTBXH Hà Nội) tư vấn: Xã hội hiện nay và tương lai có xu hướng đòi hỏi sự năng động nên chọn những ngành nghề năng động để dễ kiếm việc hơn.
Đặc biệt khi chọn trường, các em cần tìm hiểu thông tin về xu hướng thị trường lao động trong vòng 10 năm tới, chứ không phải chỉ ở thời điểm 4 - 5 năm sau khi tốt nghiệp. Như vậy sẽ giúp sự lựa chọn chính xác hơn.
Con theo ông Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục hiện nay mới chỉ đào tạo cái mình có, trong khi đó xã hội đòi hỏi trường phải linh hoạt hơn trong việc đáp ứng các ngành nghề xã hội đang cần.
Hơn nữa, quá trình đào tạo vẫn nặng về lý thuyết chứ không rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp sâu cho sinh viên. Vì vậy dù khá nhiều em học ngành “hot”, nhưng lại không kiếm được việc làm do thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Theo ông Lâm, thời gian tới cần điều chỉnh chương trình đào tạo cho sát nhu cầu thực tế của xã hội.
Ông cũng cho rằng Bộ LĐTBXH và Bộ GD-ĐT cần liên kết với các doanh nghiệp để có thông tin mới nhất về nhu cầu lao động vì nó biến động liên tục.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn- Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP HCM chia sẻ, ông đã thực hiện khảo sát nhanh với học sinh tham dự trực tiếp tại một buổi tư vấn tuyển sinh. Kết quả cho thấy, có trên 50% em nghĩ rằng bằng mọi giá phải vào được ĐH, 75% HS đồng ý việc chọn ngành phải phù hợp với sở thích, và hầu hết HS cho rằng lựa chọn ngành nghề dựa vào tiền lương cao.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng những lựa chọn này của học sinh đang thiếu định hướng. Nếu chọn trường mà chỉ dựa vào thông tin tuyển dụng hiện tại sẽ là sai lầm.
Còn TS Phạm Mạnh Hà khẳng định, không có ngành nghề nào không cần đến kiến thức, kỹ năng mà lại có lương cao. Ngành nghề nào người lao động cũng phải có kiến thức sâu và giỏi thì sẽ nhận được công việc tốt, mức lương cao. Bởi vậy hãy chọn ngành mình đam mê, phù hợp với tố chất và học tập thật nghiêm túc mới có thể đáp ứng tốt công việc sau này.