Sự tử tế
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao với hành động đẹp của cậu bé Nguyễn Danh Thành Đạt, 5 tuổi (đang ở trọ cùng mẹ tại quận Thủ Đức, TP.HCM). Đạt không đi học, em theo mẹ lang thang khắp nẻo đường, lượm ve chai bán mưu sinh.
Bé Nguyễn Danh Thành Đạt xếp dép cho học sinh dã ngoại.
Trong một lần cùng mẹ mưu sinh trên đường phố khu vực Nhà thờ Đức Bà, gặp một lớp mẫu giáo học ngoại khóa trên vỉa hè, thấy cô giáo cùng các bạn để dép lộn xộn, Đạt vui vẻ chạy lại, nhặt dép và xếp thành hàng cho ngay ngắn. Hành động vô tư ấy của Đạt đã được anh Phạm Nghĩa chứng kiến và chụp lại. Chỉ sau vài ngày anh Nghĩa đăng hình lên trang Facebook cá nhân, những tấm hình về Đạt đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận.
Sau khi việc tốt này được chia sẻ, hiện mẹ bé được một công ty ở Bình Dương nhận vào làm và tìm được ngôi trường thích hợp cho bé. Hiện Đạt đã nhập học, mẹ em đã đi làm mà không còn phải sớm hôm mưa nắng dắt theo đứa con trai bé bỏng đi lượm ve chai. Có thể nói đây là kết quả đẹp của sự tử tế.
Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng lâu nay xã hội có quá nhiều trái ngang, trái tim con người vì thế cũng xơ cứng và khi xuất hiện nhiều các vấn đề tiêu cực, các thông tin trên mặt báo, trên mạng có nhiều cái xấu thì người ta lại thèm được đọc những thông tin nói về sự tử tế?
Dư luận lại tiếp tục băn khoăn có phải nền giáo dục đang quá nặng nhồi nhét kiến thức mà lơ là dạy dỗ đạo làm người? Bài học về sự tử tế thực ra ai cũng được học từ thủa vỡ lòng, nhưng việc tưởng đơn giản như em bé kia không phải người nào cũng áp dụng vào thực tiễn vì thế bỗng nhiên trở thành “của hiếm”. Việc làm của em giống như một lời cảm ơn hiếm có khi được giúp đỡ trong những tình huống khốn khó giữa cuộc đời, như một giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng giữa những gào thét, rên xiết, quằn quại của ca từ trong những bài hát mà người ta phải nghe hàng ngày ở hầu khắp các nơi…
Có thể thấy, ở thời điểm xã hội đang vô cùng thảng thốt và đắng lòng với bao chuyện buồn ở học đường thì việc dạy học sinh làm người, trở thành những người tử tế... lại trở lên bức thiết hơn bao giờ hết. Song mong muốn này dường như đang trở nên quá xa xôi khi cả nhà trường và phụ huynh còn đang mải miết với những cuộc ganh đua về điểm số, thành tích?
Có phải nhiều thầy cô đang cố rèn học sinh đạt điểm cao mà quên mất phải làm sao để bài học đạo đức đi vào tâm hồn các em? Có phải nhiều bậc mẹ cha quay cuồng với bài toán cơm áo gạo tiền mà không còn nhớ dạy đạo nghĩa cho con? Các chuyên gia giáo dục cảnh báo những xao nhãng ấy lâu dần sẽ ít nhiều làm méo mó nhân cách thế hệ trẻ.
Nói như bà Tôn Nữ Thị Ninh- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trong một cuộc nói chuyện với giới trẻ về sự tử tế mới đây thì hãy tạo nhiều không gian nhỏ, văn minh, tử tế. Hãy coi sự tử tế là một nhân sinh quan, nó luôn hiện diện trong bản thân mình ở mọi hoàn cảnh, đừng để nó chỉ là một cơn sóng hay một trào lưu, nhanh đến nhưng cũng sớm tàn.